Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nông nghiệp
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tín dụng, đất đai thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách được triển khai ngay từ khi ban hành và tiếp tục hoàn thiện theo hướng tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm tìm hiểu và đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong giai đoạn 2005-2016 số lượng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông lâm thủy sản tăng từ hơn hai nghìn lên hơn bốn nghìn doanh nghiệp. Năm 2017 có 1.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đưa số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 5.661 doanh nghiệp. Đến quý II/2018 có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp, nếu tính cả doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại hàng lương thực thực phẩm, số lượng đã tăng từ hơn 12 nghìn doanh nghiệp năm 2005 lên đến 42 nghìn doanh nghiệp cho tới thời điểm hiện tại. Như vậy, có thể thấy về số lượng các doanh nghiệp đã tăng một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh sự tăng lên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp như tập đoàn Vingroup, Masan, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia lai, Pan Group...
Về quy mô vốn và hiệu quả đầu tư, trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp của doanh nghiệp tăng gấp bốn lần từ mức hơn 22 nghìn tỷ đồng lên đến hơn 231 nghìn tỷ đồng. Quy mô vốn bình quân trong các doanh nghiệp nông nghiệp năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/ doanh nghiệp (vốn bình quân doanh nghiệp cả nước là 72,82 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Có thể nói, mặc dù là ngành chịu nhiều rủi ro về thời tiết, biến đổi khí hậu và thị trường, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn cho hiệu quả ổn định và có phần cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, hiệu suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) trong giai đoạn từ 2007-2015 luôn đạt hơn 10% so với mức 3,4% của các doanh nghiệp nói chung. Bên cạnh đó hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt bình quân hơn 15%, mức cao nhất trong tất cả các ngành. Điều này cũng cho thấy nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt.
Sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp còn có vai trò quan trọng và đóng góp nhiều trong việc thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn và góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tổng số lao động thường xuyên hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp năm 2017 là hơn 300 nghìn người, chiếm 2,3% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp cả nước. Bình quân mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng 30 lao động/doanh nghiệp, cao hơn so với số lao động bình quân trong doanh nghiệp chung cả nước là 28 lao động/doanh nghiệp.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Những kết quả đạt được nêu trên khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phần nào đã truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp. Song mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng hơn 1% trong tổng số các doanh nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, có tới hơn 95% só doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Cũng theo báo cáo của VCCI, có tới 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu hai - ba thế hệ.
Năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Khả năng liên kết với các đối tác, tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế còn hạn chế. Doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, các khâu chế biến và marketing còn yếu kém. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hay các tổ chức đại diện cho nông dân thiếu bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Giải pháp thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, xác định ưu tiên phát triển ngành theo ba trục sản phẩm chính là sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và đặc sản địa phương.
Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vào các nhóm lĩnh vực, ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, thủy sản... Đầu tư vào lĩnh vực thế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, dược liệu...
Tiếp tục hoàn hiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp nông nghiệp được coi là lực lượng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai, phù hợp với quyền sử dụng hợp pháp của nhà đầu tư, tăng cường nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án, xây dựng cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư.