Cơ chế mới thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm, siết quản lý dòng tiền cho vay liên kết, khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao... là những quy định mới nổi bật tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm
Theo đó, để phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối tượng là: Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là cá nhân và pháp nhân; Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.
So với Nghị định cũ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Theo đánh giá của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hành Nhà nước), các quy định mới này được đưa ra căn cứ trên thực tế cho vay không có tài sản bảo đảm của các TCTD trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc cư trú trên địa bàn nông thôn.
Khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao
Nhằm khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới quan trọng.
Theo đó, các đối tượng khách hàng được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án, bao gồm: Khách hàng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khách hàng doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng về tài sản bảo đảm, đặc biệt là các tài sản có giá trị như nhà kính, nhà lưới… Nghị định đã bổ sung quy định khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm.
Nghị định số 116/2018/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể tiêu chí, phương pháp xác định, xác nhận dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để làm cơ sở cho các TCTD thực hiện cho vay.
Siết quản lý dòng tiền cho vay liên kết
Về cho vay liên kết, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP bổ sung nội dung quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, TCTD ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại TCTD cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.
Đánh giá về điểm mới này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp các ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo điều kiện cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm tại các TCTD.