Tạo ra chuỗi giá trị chung từ liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử

Trần Huyền

Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, tạo ra chuỗi giá trị chung cho toàn vùng và liên vùng, từ đó thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Tiếp nối thành công của Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, ngày 25/9/2024, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS), Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung”.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Bộ Công Thương Lê Hoàng Oanh cho biết, trong thời gian qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh và năng động nhất trên thế giới trung bình khoảng 20%/năm. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử nước ta còn rất lớn, với hơn 80% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến và hoạt động thương mại điện tử ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Để phát huy vai trò của phương thức phân phối hiện đại này, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT. Triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản phẩm Việt. Cùng với đó, chuỗi sự kiện thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT do Cục TMĐT và KTS tổ chức đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.

Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất cả nước (chiếm 55% bờ biển cả nước), đa dạng về tài nguyên rừng và biển, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước. Với những đặc điểm nêu trên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là một vùng đất đầy tiềm năng để khai thác và phát huy thế mạnh của thương mại điện tử trong liên kết vùng để tạo ra chuỗi giá trị chung cho toàn vùng và liên vùng.

Bên cạnh sự tăng trưởng tích cực, TMĐT tại Việt Nam hiện nay cũng đặt ra thách thức mới trong công tác quản lý thuế vì vừa phải đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp thuế, vừa phải khuyến khích thương mại phát triển theo đúng quy luật thị trường. Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) chia sẻ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định.

Cùng với đó, xác định ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số là hoạt động tiên quyết để triển khai quản lý thuế hiệu quả, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp với Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia theo Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Tại Hội nghị, các diễn giả đại diện Trung tâm Phát triển TMĐT – đơn vị đại diện Sàn Việt, Sàn giao dịch TMĐT Shopee, Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel; Tiktok Việt Nam... đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp chinh phục thị trường thương mại điện tử, tăng doanh số bán hàng trên các nền tảng số thông qua tương tác trực tiếp trên livestream, phát triển logistics trong TMĐT. Từ đó, chung tay đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định và các tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Nhân dịp này đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT để cụ thể hóa, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Bình Định và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển TMĐT EcomViet cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Đại diện các doanh nghiệp vận hành dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ (Viettel Post, VNPAY, Shopee, Haravan)… nhằm chung tay cùng các địa phương thu hẹp khoảng cách; tiết kiệm nguồn lực, chi phí; nâng cao năng lực cạnh tranh; có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng lớn, từ đó, giúp TMĐT nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển nhanh và bền vững.

Sự liên kết nội vùng, liên vùng của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ giúp phát huy thế mạnh mỗi địa phương trong tổng hòa sự phát triển chung của cả nước, “chắp cánh” cho các sản phẩm đặc trưng của Bình Định và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hòa cùng dòng chảy của xu thế hội nhập, hướng tới phát triển bền vững.