Tạo ra “lợi thế động” dựa trên “lợi thế tĩnh”
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo. Song, theo nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Chu Hồi, muốn phát huy được tiềm năng có sẵn (lợi thế tĩnh), cần tạo ra “lợi thế động” thông qua độ mở của cơ chế, chính sách cũng như hiệu quả thực thi chính sách đó. Trong đó, nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu.
Chuyển lợi thế thành lợi ích
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế biển và hải đảo của nước ta hiện nay?
Về mặt tự nhiên, nước ta có nhiều “lợi thế tĩnh” (nguồn tài nguyên thiên nhiên) cho phát triển với một vùng biển giàu và đẹp. Đây còn là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học có giá trị cao; là 1 trong 16 ngư trường lớn của thế giới. Bên cạnh đó, Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp, thuận lợi cho giao thương giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.260km với 54 vịnh ven bờ, là cơ hội lớn để phát triển cảng và dịch vụ cảng; gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó nhiều đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo…
Rõ ràng, tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo của nước ta rất lớn. Vấn đề là phải tạo được nhiều “lợi thế động” thông qua độ mở của cơ chế, chính sách kết hợp với “lợi thế tĩnh” và hiệu quả thực thi chính sách đó thì mới chuyển được lợi thế thành lợi ích. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh tài nguyên bị suy thoái (trong khi đây là một trong những “đầu vào” của nền kinh tế); chủ quyền biển, đảo đang bị đe dọa.
Trên thực tế, chúng ta đã tạo ra và phát huy được các “lợi thế động” chưa, thưa ông?
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển biển, đảo. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, chúng ta chưa cụ thể hóa được các nguyên tắc cơ bản trong việc khơi dậy tiềm năng phát triển biển, đảo. Chúng ta vẫn chỉ tập trung vào tăng trưởng bằng việc khai thác để có nhiều sản lượng tài nguyên đem bán, chưa chú trọng tới chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên.
Bên cạnh đó, mặc dù chiến lược đã có song vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các chiến lược và kế hoạch thành phần đúng đắn. Chẳng hạn, nhân lực để phát triển kinh tế biển, đảo là những ai? Ai sẽ hiện đại hóa nghề cá?... Hoặc mục tiêu đến năm 2020, sẽ thu hút khoảng 90% vốn đầu tư nước ngoài vào 15 khu kinh tế biển - ven biển, trong đó tập trung vào 5 khu là Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Dung Quất - Chu Lai (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang), song đến giờ, mục tiêu này rất khó khả thi vì chưa tạo được đẳng cấp cao về thể chế và công nghệ để thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Nguyên nhân chính là tư duy của không ít người vẫn chưa rành mạch trong việc phát triển kinh tế biển đảo, dẫn đến chưa cụ thể hóa được các chiến lược, chính sách nên khó có hiệu lực, hiệu quả. Ngay trong đánh giá việc thực hiện chiến lược, chúng ta vẫn chỉ nhận xét chung chung mà không bám vào các mục tiêu cụ thể để biết hạn chế, yếu kém ở đâu nhằm kịp thời điều chỉnh. Tư tưởng cầu toàn khiến ngại nhìn vào yếu kém, khuyết điểm. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, có tính chuyên nghiệp để cụ thể hóa chiến lược, chính sách bằng hành động.
Có dám từ chối không?
Thời gian qua, nhiều sự cố về môi trường xảy ra, trong đó có sự cố môi trường biển. Điều này sẽ tác động thế nào đến mục tiêu phát triển biển bền vững, thưa ông?
Chắc chắn, chúng ta sẽ không thể có được sự phát triển bền vững khi môi trường bị hủy hoại, biển tiếp tục bị “đầu độc”. Chúng ta đã phải đổ mồ hôi, xương máu để đấu tranh giành lại chủ quyền lãnh thổ biển, đảo; đã làm chủ được nguồn tài nguyên biển quý giá cho sự sống còn của dân tộc. Có sự đầu tư cho phát triển mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường thì chẳng khác nào tự cầm búa gõ vào mắt cá chân mình.
Trong bối cảnh hiện nay, đâu là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế biển đảo?
Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế biển đảo chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, vẫn kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Bộ, ngành, địa phương nào thu vén lợi ích cho chính bộ, ngành, địa phương đó mà thiếu đi cái nhìn tổng thể. Thứ hai, đầu tư cho kinh tế biển còn non yếu, dàn trải, trong khi biển đòi hỏi phải đầu tư lớn mới có hiệu quả lâu dài. Thứ ba, nguồn nhân lực chưa đồng bộ, chưa được xác định cụ thể. Thứ tư, thách thức về môi trường khi nhiều sự cố xảy ra. Thứ năm là vấn đề chủ quyền biển đảo bị đe dọa, không gian kinh tế biển nguy cơ bị thu hẹp. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đối mặt hiện hữu với thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương.
Vậy làm gì để vượt qua thách thức và giàu, mạnh lên từ biển?
Theo tôi, ngoài quyết tâm cần phải tiếp tục thay đổi tư duy, phải hiểu rõ và cụ thể bản chất của biển, đảo và kinh tế biển. Phải rà soát để kịp thời điều chỉnh chiến lược dựa trên cách tiếp cận đánh giá khách quan, trong đó nhấn mạnh an ninh quốc gia về mặt kinh tế biển. Không nên lạc quan quá mà đã đến lúc phải đưa ra tín hiệu cảnh báo sớm.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trong đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, thu hút đầu tư, xử lý sự cố môi trường nếu có. Quản lý phải kết hợp liên ngành chứ không thể mạnh ai nấy làm như lâu nay. Bây giờ, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề có dám từ chối các dự án khi biết chắc nó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường không? Muốn vậy, phải có quy định pháp luật cụ thể ngay từ khi sàng lọc dự án. Rõ ràng, để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá thì nguồn nhân lực phải đóng vai trò tiên quyết, tiên phong.
Xin cảm ơn ông!
“Lâu nay, có tình trạng phát triển không nhìn vào dài hạn mà chỉ nhìn ngắn hạn. Báo cáo phát triển thường quan tâm tới thành tích mà chưa chú trọng đến hệ lụy, hệ quả đi kèm. Đã đến lúc phải ngồi nhìn lại với tư duy, chiến lược cụ thể trong phát triển kinh tế biển đảo. Điều này cần có cái nhìn tổng thể, học hỏi kinh nghiệm từ thất bại của các nước đi trước để tránh”, ông Nguyễn Chu Hồi nói.