Phát triển kinh tế biển ở một số nước và bài học cho Việt Nam
Những năm qua, nhiều nước trên thế giới coi biển đảo và đại dương là định hướng chiến lược phát triển kinh tế chủ yếu của mình với các tuyến hải vận nối liền các lục địa với nhau và là nơi có các căn cứ quân sự của một số nước. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh, lợi thế từ vị trí địa lý giáp biển đã giúp Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... có thể vươn lên trở thành các nền kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới.
Vai trò quan trọng của kinh tế biển trong phát triển kinh tế của một số nước
Các nhà chiến lược đánh giá thế kỷ 21 là “Thế kỷ của đại dương” vì cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo đất liền sẽ dần bị cạn kiệt trong vài thập niên tới. Kinh tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào biển và đại dương. Khoảng 70% tiềm năng công nghiệp của thế giới ở khu vực rộng trải 500km tính từ bờ biển. Những nguồn lợi về khoáng sản, sinh học và năng lượng của biển và đại dương có một ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Với trình độ phát triển ngày càng cao, các quốc gia đã đầu tư lớn cho việc nghiên cứu phát triển về biển để trở thành cường quốc biển. Các nước đang phát triển và các nước không có biển cũng đang tìm cách vươn ra biển để hội nhập và phát triển kinh tế.
Hệ sinh thái biển đa dạng là nguồn lợi quan trọng nhất với hàng trăm nghìn loại động vật, thực vật và vi sinh vật. Biển và đại dương là nguồn cung cấp đa dạng và dồi dào các loại thủy hải sản, hóa chất, muối, dầu khí, quặng... Năng lượng sạch từ biển, khai thác từ gió, nước biển, các dòng hải lưu và thủy triều đang được khai thác phục vụ vận tải, năng lượng và vô số lợi ích khác của con người. Mặt biển và thềm lục địa là đường giao thông thủy có thể phát triển các hoạt động du lịch, tham quan, giải trí.
Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy, những bước đột phá phát triển mang tầm thế giới cho đến nay hầu như đều bắt nguồn từ những quốc gia có biển như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Các quốc gia này đều không sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào, song lại có nền kinh tế biển rất phát triển nhờ vào vị trí địa lý giáp biển.
Kinh nghiệm từ một số nước
Trung Quốc: Theo con số thống kê, quy mô nền kinh tế biển của Trung Quốc đã phát triển khá nhanh, trong năm 2015, nền kinh tế biển của nước này đã đóng góp 10% GDP và dự kiến đến năm 2020 có thể tăng gấp đôi so với 3.840 tỷ Nhân dân tệ của năm 2010. Nổi bật nhất trong kinh tế biển của Trung Quốc là công nghệ đại dương có thể chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế biển nước này trong năm 2015.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt đạo luật về quản lý và khai thác biển, xây dựng khung phí, thuế sử dụng tài nguyên biển. Xác định quan điểm phát triển khoa học, xuất phát từ nhu cầu chiến lược quốc gia, thích ứng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội vào năm 2020, Trung Quốc tập trung chú trọng vào 4 vấn đề trọng điểm: Hiện đại hóa sản nghiệp biển; xây dựng quy hoạch khai thác biển; đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái biển; khai thác, phát triển biển toàn diện hài hòa.
Nga: Biển có vai trò khá quan trọng với chiều dài hàng chục nghìn km với tiềm năng khoáng sản lớn. Với trữ lượng khoảng 13,7 tỷ tấn dầu và 52.300 tỷ m3 khí đốt, Nga có nguồn thu ngân sách dồi dào để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Chính phủ Nga ban hành Chương trình phát triển biển xác định các nhiệm vụ chủ yếu là giúp nước này trở nên năng động hơn trên biển gắn với các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quốc gia; định hướng các hoạt động trong đại dương nhằm vào những kết quả cụ thể có tính khả thi; tạo điều kiện tối đa cho sự hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động của tất cả các cấp.
Nhật Bản: Với đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, Nhật Bản sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của Chiến lược biển quốc gia. Sau năm 1945, Chính phủ Nhật Bản thành lập Kế hoạch phát triển tổng thể lần thứ nhất với vác vùng công nghiệp trọng điểm tập trung ở các vùng bờ biển. Nhiều biện pháp cải tạo đã được đưa ra để lấy đất xây dựng cảng và phát triển công nghiệp.
Mỹ: Trong tương lai, các đại dương, bờ biển và vùng hồ lớn phải sạch, an toàn, thịnh vượng và được quản lý một cách bền vững, sử dụng tốt hơn, hạn chế tác động của thời tiết xấu và các thảm họa thiên nhiên, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh việc triển khai một chương trình khám phá những vùng chưa biết đến của đại dương, nhằm thu hút sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội, các cơ quan quản lý Mỹ cũng đã tích cực trao đổi khoa học, công nghệ và chính sách về kinh tế biển với các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển nhằm phát huy vai trò của kinh tế biển trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, nuôi trồng thủy hải sản… Với chiều dài bờ biển 3.260 km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560 km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD.
Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới nhưng còn yếu kém. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hoá thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.
Từ bài học và kinh nghiệm phát triển kinh tế biển ở một số quốc gia, để phát triển kinh tế biển bền vững, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, xem đây là 3 mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau.
Hai là, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu. Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới gắn phát triển kinh tế biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển...
Ba là, khẩn trương xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… có sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình, lập bản đồ về các mối hiểm nguy, kế hoạch lưu giữ nước ngọt, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng.
Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc; kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và dự báo thời tiết; phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước.
Năm là, gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.