Thương mại điện tử:

Tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo daibieunhandan.vn

Thương mại điện tử được xem là nền tảng cung cấp công cụ nâng cao tính cạnh tranh, tác động trực tiếp, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh và tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều rào cản gây trở ngại đến việc phát triển hình thức này ở nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế

Ở nước ta, các DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp cả nước và là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Việc sử dụng internet và công nghệ truyền thông được xem như một yếu tố tạo điều kiện cho sự phát triển của các DNNVV. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững vùng (RSD) Bùi Quang Tuấn, giao dịch thương mại thông qua điện tử, các công ty quy mô nhỏ có thể giảm thiểu chi phí giao dịch và có được một sân chơi bình đẳng hơn và thuận lợi hơn trong tiếp cận mạng lưới sản xuất toàn cầu và thị trường quốc tế.

Nghiên cứu của RSD về thương mại điện tử và hoạt động của DNNVV ở Việt Nam cho thấy, các hoạt động kinh doanh dựa trên điện tử đóng góp đáng kể và mạnh mẽ vào hiệu quả hoạt động của các DNNVV nước ta. Các DNNVV có quy mô nhỏ sẽ có khả năng mở rộng phạm vi tiếp thị, truyền thông rộng rãi và đa dạng hơn cả bên trong và ngoài doanh nghiệp; giảm chi phí hoạt động và liên hệ với các nhà cung cấp và làm marketing với chi phí thấp hơn. Đặc biệt, trong hội nhập, đây là công cụ giúp các DNNVV có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế nhanh hơn, rộng hơn với chi phí thấp hơn.

Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ, thương mại điện tử chính là công cụ có ý nghĩa quan trọng với sự sống còn của các DNNVV hiện nay. Bởi điện tử hay internet có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các DNNVV trong cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn thông qua việc loại bỏ những lợi thế vốn có của họ. Với sự hợp tác và kết nối mạng thông qua internet, các DNNVV có cơ hội tham gia đấu thầu các dự án lớn mang tầm quốc tế với nhiều đối tác trên thế giới và ngay cả với đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, thương mại điện tử cũng góp phần giảm nhu cầu và các bên trung gian trong giao dịch.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sử dụng internet làm tăng doanh thu và lợi nhuận một cách nhanh chóng cho các DNNVV, các doanh nghiệp được nghiên cứu đều phát triển nhanh chóng nhờ việc sử dụng và áp dụng kiến thức về công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Với ưu thế cơ cấu dân số trẻ và lượng người dùng internet khá cao ở nước ta, thương mại điện tử được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các DNNVV trong nước.

Còn nhiều rào cản trong triển khai

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của RSD cũng nhấn mạnh, thương mại điện tử và internet không chỉ mở ra nhiều cơ hội quan trọng mà còn đặt không ít thách thức mới đối với các DNNVV. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, tiềm năng của thương mại điện tử ở nước ta vẫn chưa được khai thác tối đa. Những vướng mắc trong mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng là một trong những thách thức trong phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Khách hàng còn thiếu niềm tin và sự tự tin vào chất lượng hàng hóa là trở ngại chính cho các hoạt động mua sắm trên mạng. Hơn nữa, môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng KT - XH tuy đã có bước cải thiện song vẫn là những yếu tố cản trở ứng dụng thương mại điện tử ở nước ta.

Theo Phó viện trưởng RSD Nguyễn Đình Chúc, thương mại điện tử và internet cũng khiến cho các DNNVV nhận ra những hạn chế khi phải chịu gánh nặng lớn hơn về chi phí cố định đầu tư phát triển công nghệ mới. Các DNNVV lại còn dễ vướng vào các vấn đề về an ninh và trách nhiệm có thể phát sinh do thương mại điện tử. Ngoài ra, DNNVV cũng phải chịu một số rào cản khác như chưa nhận thức đầy đủ về thương mại điện tử; thiếu lòng tin vào thị trường; thiếu nguồn nhân lực đủ kỹ năng, hiểu biết để triển khai hiệu quả thương mại điện tử; và vấn đề rào cản trong thanh toán điện tử và hệ thống logistics.

Ngoài ra, các DNNVV cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sử dụng internet như chi phí phải trả cho dịch vụ thương mại điện tử khá cao, ước tính khoảng 20% tổng doanh thu chưa kể chi phí duy trì hoạt động quảng cáo trực tuyến. Internet cũng đặt ra cho các doanh nghiệp những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, giải quyết tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân. Đã có rất nhiều phản hồi của khách hàng về việc mua phải hàng giả, hàng vi phạm bản quyền.

Việc quảng cáo trên các trang web không phản ánh đầy đủ chất lượng của sản phẩm cũng như uy tín của doanh nghiệp. Nghiên cứu của các chuyên gia RSD cũng chỉ ra một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi sử dụng thương mại điện tử là chi phí thực sự cho dịch vụ thương mại điện tử cung cấp bởi các công ty nước ngoài không được tính vào chi phí kế toán, dó đó các doanh nghiệp được yêu cầu phải đóng thuế trên cơ sở hai lần doanh thu không bao gồm phí thương mại điện tử.

Những vấn đề này đặt ra câu hỏi đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ internet và bảo đảm các giao dịch thương mại điện tử an toàn; tăng khả năng cạnh tranh cho các DNNVV trong nước.

Theo báo cáo nghiên cứu của RSD, các trang web đóng góp đáng kể cho hoạt động của các DNNVV không xuất khẩu chứ không phải các doanh nghiệp xuất khẩu. Kết quả này có thể xuất phát từ thực tế rằng các DNNVV đang kinh doanh tại thị trường nội địa sử dụng các website để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu không làm được điều này. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng phương pháp khác để tiếp cận khách hàng ở nước ngoài.