Tạo thuận lợi thương mại nhờ cải cách, hiện đại hoá hải quan
Với mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi thương mại, thời gian qua, ngành Hải quan đã quyết liệt cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan, mang lại hiệu quả thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Đi đầu trong cải cách hành chính ngành Tài chính
Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoạt động cải cách hành chính của ngành Tài chính. Theo đó, toàn Ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt kế hoạch cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính.
Cơ quan hải quan đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ngành Hải quan đã đề xuất cắt giảm 19/29 điều kiện kinh doanh, bãi bỏ 5, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá hải quan cũng được ngành Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Toàn Ngành đã tăng cường triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Đến nay, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia; 174 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý là gần 2,34 triệu bộ hồ sơ của trên 31,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cũng được ngành Hải quan triển khai hiệu quả. Đến nay, 100% hoạt động thông quan đã áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, 99,9% doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan điện tử qua VNACCS. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh thành phố, giúp giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp.
Tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến, 172/193 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan (chiếm 89% số lượng thủ tục hành chính) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó, có 163 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet...
Đến nay, 100% hoạt động thông quan đã áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, 99,9% doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan điện tử qua VNACCS.
Nhờ thực hiện hiệu quả cải cách, Tổng cục Hải quan đã dẫn đầu trong kết quả cải cách hành chính năm 2018 của các đơn vị khối Tổng cục thuộc Bộ Tài chính. Qua đó, góp phần giúp Bộ Tài chính 5 năm liên tiếp đứng Top đầu trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính.
Nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp của ngành Hải quan cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao khi có đến hơn 80% doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của ngành Hải quan là kịp thời và hiệu quả trong báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2018 vừa VCCI công bố.
Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi thương mại
Với mục tiêu đồng hành, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp, trong thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Trong đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan để thích ứng với sự gia tăng mở rộng nhanh chóng của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế; Chủ động, tích cực phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để cập nhật các chính sách mới, giải quyết kịp thời những vướng mắc, đề xuất hiệu chỉnh chính sách phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Cơ quan hải quan cũng sẽ tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến; Áp dụng cơ chế quản lý hải quan hiện đại trong thực hiện cải cách hành chính; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện đại nhằm tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghệ lần thứ 4 trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Được biết, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan. Trong đó, nhiều ứng dụng mới sẽ được triển khai như: Xây dựng ứng dụng di động hỗ trợ thực hiện thủ tục Hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện; ứng dụng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin doanh nghiệp tập trung; xây dựng phần mềm quản lý việc lấy mẫu, phân tích và giám định hàng hóa tích hợp được với các hệ thống nghiệp vụ khác của ngành Hải quan…
Đề án trên được kỳ vọng sẽ tái thiết hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.