Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc
Để giảm ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan hàng hóa nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại địa bàn.
Thúc đẩy thông quan nhanh chóng hàng hóa
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng. Tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... hàng nghìn xe hàng vẫn đang nối đuôi nhau chờ đợi trong khi năng lực thông quan chỉ đạt vài chục xe mỗi ngày trên mỗi cửa khẩu.
Để giảm tình trạng hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh phía Bắc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, các Chi cục hải quan cửa khẩu tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn (kể cả ngoài giờ hành chính); giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là các đơn vị bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm.
Lực lượng Hải quan phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an và các cơ quan chức năng khác để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân; đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đồng thời, cơ quan hải quan thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan, chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ thông quan ngay hàng hóa; phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn chủ động trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng quản lý tại cửa khẩu phía bạn nhằm tăng cường năng lực thông quan, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc.
Song song với các giải pháp trên, Tổng cục Hải quan phối hợp xây dựng cửa khẩu số nhằm ứng dụng công nghệ số hiện đại vào quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại cửa khẩu, công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu thông quan nhanh chóng; tự động giám sát lưu lượng xe trên bản đồ số; tự động hóa quy trình kiểm tra, giám sát qua phân tích dữ liệu khai báo của doanh nghiệp và qua hệ thông camera AI, giảm tác động của con người, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Không có việc tiếp tay của hải quan cho các hoạt động “luật ngầm”
Cùng với việc tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ.
Cụ thể như: Yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.
Trong công tác quản lý hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu, việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng: Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan…
Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện, cơ quan hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất 1 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc Nhà nước thu (20.000 đồng/tờ khai).
Theo phân luồng làm thủ tục hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của hải quan, hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.
Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.