Tập đoàn Intel sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng "điện toán đám mây" ở Việt Nam

Phùng Tuấn

TCTC Online - Ngày 28/9/2010 tại Hà Nội, Tập đoàn Intel đã giới thiệu tầm nhìn của Intel về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và khẳng định trong 5 năm tới, Intel sẽ tập trung vào việc phát triển Điện toán đám mây (ĐTĐM). Ông Phạm Đỗ Tuấn, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam khẳng định, đây là một trong những sự kiện quan trọng của Intel trong việc thúc đẩy sự phát triển của một xu hướng công nghệ còn khá mới mẻ tại Việt Nam hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp sẽ tìm đến “Điện toán đám mây”

Bà Trần Thị Băng Tâm, Giám đốc phát triển kinh doanh, Nhóm giải pháp doanh nghiệp Intel Việt Nam cho biết, sau rất nhiều nghiên cứu về nhu cầu của khách hàng đến thực tiễn ứng dụng, Intel đã công bố tầm nhìn cho lĩnh vực ĐTĐM, qua đó trong 5 năm tới, 3 giải pháp căn bản để hiện thực hóa tầm nhìn Intel bao gồm: Khả năng liên kết (Federated), Khả năng tự động hóa (Automated), và Khả năng nhận biết thiết bị đầu cuối (Client aware).

Khả năng liên kết: Là giải pháp cho phép dữ liệu và dịch vụ có thể được trao đổi dể dàng trong nội bộ và giữa các hạ tầng ĐTĐM. Để các hệ thống liên kết được với nhau, cần có cơ chế tương tác thông suốt giữa các nền tảng và giải pháp khác nhau.

Khả năng tự động hóa: Là giải pháp cho phép các dịch vụ và tài nguyên ĐTĐM có thể được định nghĩa và cung cấp một cách bảo mật mà hầu như không cần tương tác với con người. Theo tầm nhìn ĐTĐM của Intel, khả năng tự động hóa cho phép phân bổ và quản lý tài nguyên theo mức dịch vụ thỏa thuận. Tối ưu hóa trung tâm dữ liệu bằng cách tự động hóa cơ chế sử dụng tài nguyên, tự động hóa cơ chế tiết kiệm điện, tự động hóa việc lập báo cáo tiêu dùng để tính chi phí và cân bằng tải.

Khả năng nhận biết thiết bị đầu cuối: Là giải pháp đáp ứng dịch vụ cho mọi thiết bị đầu cuối có kết nối bất kỳ chủng loại và phần mềm hệ thống của thiết bị. Ngày nay, các thiết bị kết nối Internet ngày càng trở nên đa dạng, từ các thiết bị IT truyền thống như máy tính để bàn, MTXT đến các thiết bị khác như smartphone, ô tô, tivi, đầu thu…

Theo ông Phạm Đỗ Tuấn, Tập đoàn Intel tập trung vào lĩnh vực này bởi vì theo kết quả nghiên cứu một số doanh nghiệp lớn được thực hiện gần đây của Gartner cho thấy: Hơn 50% số doanh nghiệp được hỏi khẳng định rằng trong vòng 2 năm tới, họ sẽ dần đưa ĐTĐM vào các ứng dụng của doanh nghiệp và tỷ lệ ứng dụng dịch vụ này tiếp tục tăng, dự kiến chiếm 2/3 các ứng dụng của doanh nghiệp vào năm 2012.

Bên cạnh đó, Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC cũng dự báo giá trị dịch vụ của thị trường ĐTĐM có thể đạt đến 43 tỉ USD vào năm 2012 và khẳng định trong vòng 3 năm tới, dịch vụ điện toán đám mây có thể đạt mức tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 27% - một con số cực kỳ ấn tượng, cao gấp năm lần so với các dịch vụ truyền thống khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tầm nhìn của Intel về ĐTĐM là các Trung tâm dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ sẽ cho phép ngày càng nhiều chủng loại thiết bị truy cập và sử dụng dịch vụ bằng cách nhận biết các thuộc tính của từng thiết bị (như chủng loại, năng lực xử lý, vị trí, cách kết nối, cấu hình, chính sách bảo mật…). Đồng thời, các thuộc tính của thiết bị đầu cuối cũng ảnh hưởng tương tác đến hiệu năng của dịch vụ ĐTĐM.

Hỗ trợ hữu hiệu cho ngành công nghệ thông tin của Việt Nam

Theo ông Subra Shankhar, Giám đốc các giải pháp cho khối nhà nước và doanh nghiệp Intel khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nguyên tắc để kích hoạt tầm nhìn ĐTĐM của Intel là Hiệu quả, Đơn giản hóa, An ninh và các Tiêu chuẩn mở để phát triển hạ tầng ĐTĐM. Để đạt được những nguyên tắc này, yêu cầu là phải có sự hợp tác phát triển của nhiều nhà cung cấp dịch vụ và người dùng công nghệ thông tin. Như vậy, tổ chức, cá nhân và các ngành công nghiệp công nghệ thông tin sẽ trở thành một khối cùng chung nhu cầu về ĐTĐM. Hiện nay, nhu cầu điện toán tăng lên trong khi tài nguyên có hạn. Những tài nguyên này bao gồm không gian lưu trữ, năng lượng tiêu thụ, làm mát, trình độ chuyên gia công nghệ thông tin, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí vận hành... Nhu cầu luôn nhiều hơn so với nguồn lực hiện có nên yêu cầu tăng hiệu quả từ cơ sở hạ tầng là cần thiết.

Ông Kirk Skaugen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Intel kiêm Tổng Giám đốc phụ trách Nhóm Trung tâm Dữ liệu chia sẻ: “Định hướng công nghệ cùng kiến trúc tham khảo cụ thể về ĐTĐM của Intel sẽ giúp các doanh nghiệp và cơ quan tại Việt Nam xây dựng và triển khai mô hình ĐTĐM hiệu quả và thành công hơn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm, sản phẩm và dịch vụ của mình tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các kinh nghiệm thực tiễn triển khai Điện toán đám mây của Nhóm Công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn Intel. Điều này một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của Intel trong việc hỗ trợ hữu hiệu cho ngành công nghệ thông tin của Việt Nam.”

Cũng trong dịp này, Intel đã giới thiệu bộ vi xử lý Intel® Xeon® 5600 phù hợp với môi trường ĐTĐM tại Việt Nam. Bộ vi xử lý Intel Xeon dòng 5600 hỗ trợ tới 6 nhân trên mỗi bộ vi xử lý và mang lại hiệu suất hoạt động tốt hơn tới 60% so với bộ vi xử lý Intel Xeon dòng 5500 trên công nghệ 45nm. Theo Intel, các trung tâm dữ liệu có thể thay thế 15 máy chủ một nhân bằng chỉ một máy chủ mới này, và có thể đạt được khả năng hoàn vốn chỉ trong vòng 5 tháng.