Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược
(Taichinh) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế chủ quan trong quản lý, điều hành. Do vậy, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp cho Chính phủ là rất quý báu để tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF 2015) với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” đã khai mạc sáng nay (9/6) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có bước phát triển tốt hơn so với năm 2014. Đây là nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã để ra.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là cái đạt được chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, đáng ra Việt Nam có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra nguyên nhân do những hạn chế chủ quan từ quản lý, quản trị điều hành. Nhận thức điều đó, Chính phủ Việt Nam luôn muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện tình hình, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, khắc phục yếu kém. Diễn đàn VBF trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp đáng kể vào điều đó.
Chia sẻ về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục quản lý, điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn, không quá 5% trong năm 2015 và ngay cả những năm tiếp theo. Tỷ giá, lãi suất được điều hành đảm bảo ổn định theo tín hiệu thị trường. Dự trữ ngoại tệ tối thiểu đạt 12 tuần nhập khẩu. Bội chi ngân sách đảm bảo theo kế hoạch năm 2015 là 5% và tiến tới thấp hơn nữa trong 5 năm tới. Nợ công phải trong giới hạn an toàn, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả, giảm dần hệ số ICOR, nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế... Trong thương mại, phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm 10%, nhập siêu không quá 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Chính phủ cũng sẽ tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn trong sản xuất, kinh doanh, đạt được tăng trưởng ở cả 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu năm 2015 tăng GDP 6,2%, thậm chí hơn; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,5% đến 7%.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện kiên định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, đạt được sức cạnh tranh. Cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện quyết liệt để hoạt động hiệu quả hơn, đưa khu vực này cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trong tái cơ cấu ngân hàng, đến năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém, đưa nợ xấu còn 3%.
Để phát triển, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đang đàm phán giai đoạn cuối ký FTA với EU và như vậy sẽ hoàn thành 14 FTA, tạo quan hệ thương mại với 55 đói tác, trong đó có 15 thành viên G20. Đây là nền tảng quan trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tập trung để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược:
(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế Việt Nam phải vận hành đầy đủ theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước đảm bảo phát triển văn hóa, công bằng xã hội, cải thiện đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo... Tập trung hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, do dân, vì dân như hiến pháp đã nêu. Hoàn thiện thể chế cũng chính là nâng cao năng lực điều hành của nhà nước.
(2) Tạo đột phá về hạ tầng. Thủ tướng cho rằng, vừa rồi Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ trong kết cấu hạ tầng, giao thông được cải thiện, đảm bảo đủ năng lượng, điện… Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, năng lượng để phát triển kinh tế.
(3) Tạo đột phá về nguồn nhân lực, tập trung đào tạo tốt hơn, phát huy khả năng sáng tạo của người Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh.
VBF 2015 giữa kỳ đã nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhóm công tác, tập trung vào các nội dung chính: Tổng quan môi trường kinh doanh; Thương mại, du lịch và đầu tư - vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Ngân hàng và thị trường vốn - phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính; Cơ sở hạ tầng - yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo quy hoạch điện VII.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý kiến đóng góp của cồng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn. Thủ tướng cho rằng, đó là các ý kiến thiết thực, sâu sắc, mang tính xây dựng để góp phần nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng và thứ trưởng theo lĩnh vực quản lý của mình cần lắng nghe để xử lý, giải đáp với cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, những vấn đề gì thuộc phạm vi của bộ thì trực tiếp xử lý, thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình Chính phủ quyết định, nếu cần phải sửa về luật thì sẽ cân nhắc xem xét để trình Quốc hội quyết định với tinh thần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.