Ngành Thuế:

Tập trung triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm

Việt Dũng

Trước tình hình số thu ngân sách nội địa những tháng qua có xu hướng giảm, toàn ngành Thuế sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng... nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế 10 tháng năm 2022, số thu ngân NSNN do toàn ngành Thuế quản lý đạt 103,8% dự toán, bằng 114,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đều có số thu đạt khá trên 87%.

Đạt được kết quả khả quan trên, ngoài sự quyết tâm cao của cán bộ, công chức toàn ngành Thuế, còn có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và có những đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách 10 tháng vừa qua.

Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Thuế, dù tính riêng số thu tháng 10/2022 do ngành Thuế quản lý ước đạt 115.800 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán, bằng 74,1% so với cùng kỳ, cao hơn so với số thu của ba tháng trước đó, nhưng số thu ngân sách nội địa những tháng gần đây đang có xu hướng giảm mạnh.

Cụ thể, số thu tháng 7/2022 đạt 133.015 tỷ đồng, số thu của tháng 8/2022 còn 105.557 tỷ đồng, tháng 9 còn 79.400 tỷ đồng, giảm trên 40% so với tháng 7/2022. Thêm vào đó, công tác thu ngân sách được các tháng cuối năm thường khó khăn, tại một số địa phương có tiến độ thu còn thấp.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý, thu hồi nợ hiệu quả để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, hiệu quả; Tiếp tục xử lý khoanh, xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14...

Bên cạnh đó, nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2022, toàn Ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thủ tục hành chính thuế, các chính sách thuế mới, nội dung sửa đổi, bổ sung trong các chính sách thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành Thuế các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.

Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; khai thác tăng thêm nguồn thu thông qua việc mở rộng cơ sở thuế, rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra... nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý các khoản thu từ đất và bất động sản. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế, chỉ đạo toàn ngành Thuế xây dựng chuyên đề thanh tra - kiểm tra đối với người nộp thuế nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS tới người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý, thu hồi nợ hiệu quả để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, hiệu quả...

Tổng cục Thuế cũng sẽ chỉ đạo cơ quan Thuế các địa phương tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá đúng thực tế tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phù hợp đối với từng ngành/lĩnh vực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, đáp ứng nguồn lực tài chính cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một giải pháp quan trọng được ngành Thuế thực hiện là tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế trong phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế...

Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thuế theo phương thức điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN...

Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho NSNN một cách bền vững...