Tập trung triển khai hiệu quả cấp mã số BHXH
Việc cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia có ý nghĩa không chỉ với công tác quản lý của cơ quan BHXH mà còn tạo thuận lợi hơn cho chính người tham gia BHXH, BHYT và cơ quan quản lý đối tượng. Ngành BHXH xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần hoàn thành với quyết tâm chính trị cao nhất để có được bộ dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT.
Hưởng lợi nhiều từ việc cấp mã số BHXH mới
Thực hiện Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2007 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam cấp mã số BHXH. Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Qua đó, việc quản lý được thực hiện xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Đồng thời chống lạm dụng Quỹ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Thời gian qua, ngành BHXH đã khẩn trương xây dựng hệ thống phần mềm nghiệp vụ, bộ quy trình nghiệp vụ từ Trung ương đến địa phương, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia, quản lý quá trình đóng – hưởng của từng người tham gia BHXH, BHYT.
Sau một thời gian tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm, ngày 14/04/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, trong đó có nhiều đột phá mới trong quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu, nộp BHXH, BHYT, đặc biệt quy định người tham gia BHXH, BHYT được cấp mã số BHXH là số định danh duy nhất để cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ BHXH, BHYT.
Việc triển khai cấp mã số BHXH duy nhất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan BHXH, cụ thể:
- Đối với người tham gia khi đã có mã số BHXH, chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp người lao động quên mã số của mình, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý; trường hợp chưa có mã số BHXH: Khi tham gia kê khai lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) để được cấp mã số quản lý thống nhất. Thông qua mã số BHXH, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
- Đối với đơn vị quản lý đối tượng: Thuận tiện trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; Giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT.
- Đối với cơ quan BHXH: Quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia thông qua mã số BHXH duy nhất; Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử theo một mẫu thống nhất và có thể thực hiện cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc; Cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Việc cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia có ý nghĩa không chỉ với công tác quản lý của cơ quan BHXH mà còn tạo thuận lợi hơn cho chính người tham gia BHXH, BHYT và cơ quan quản lý đối tượng.
Lưu ý quy trình cấp mã số BHXH
Để triển khai việc cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia, thời gian qua, Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ngành Công an, Bưu điện tiến hành thu thập thông tin và đến nay đã có một cơ sở dữ liệu tập trung của trên 91 triệu người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân hoặc chưa kê khai đầy đủ thông tin, hoặc kê khai thông tin chưa chính xác, hoặc chưa kê khai thông tin nên chưa thực hiện được việc gán mã số BHXH.
Về vấn đề này, theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện nay, cơ quan BHXH đang hướng dẫn người tham gia bổ sung, hoàn thiện thông tin trên tờ khai Mẫu TK1-TS để cấp mã số BHXH. Quy trình thực hiện đối với người đang tham gia BHXH, BHYT như sau:
- Đối với trường hợp đã có mã số BHXH: cơ quan BHXH thực hiện cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH.
- Trường hợp chưa có mã số BHXH: cơ quan BHXH triển khai việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT, cụ thể: Đối với người tham gia: Nhận Mẫu tờ khai TK1-TS từ cơ quan BHXH chuyển đến để bổ sung đầy đủ, chính xác thông tin và chuyển lại cơ quan BHXH. Đối với đơn vị: Nhận Mẫu tờ khai TK1-TS từ cơ quan BHXH chuyển đến để hướng dẫn người tham gia kê khai đầy đủ, chính xác thông tin và chuyển lại cơ quan BHXH. Đối với cơ quan BHXH: Cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin người tham gia bổ sung trên Mẫu TK1-TS để cấp mã số BHXH và tiến hành cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH.
Từ cơ sở dữ liệu đã có qua đợt kê khai danh sách người tham gia BHYT theo hộ gia đình lần trước, kết hợp với lần kê khai bổ sung, hoàn thiện thông tin này, cơ quan BHXH sẽ vừa tiến hành cấp mã số BHXH cho những người đã đủ thông tin, trên cơ sở đó cấp thẻ BHYT, sổ BHXH cho người lao động theo đúng quy định; đối với những người còn thiếu thông tin sẽ cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thông tin trên phần mềm quản lý.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh: Việc triển khai thu thập thông tin người tham gia BHXH, BHYT rất cần nhận được sự đồng thuận, sẻ chia trách nhiệm từ các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, người sử dụng lao động và nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà ngành BHXH Việt Nam cần hoàn thành với quyết tâm chính trị cao nhất để có được bộ dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT – vấn đề mấu chốt trong tiến trình hiện đại hóa quản lý Ngành BHXH, đưa Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiến tiến trên thế giới trong quản lý BHXH, BHYT.