Texhong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Theo Baodautu.vn

Theo thông tin được báo chí nước ngoài (Nikkei) đăng tải, Texhong Textile Group (Trung Quốc) dự định xây dựng hai nhà máy cọc sợi, một ở Việt Nam (có công suất 250.000 cọc sợi) và một ở Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư cả hai dự án là 800 triệu nhân dân tệ (128 triệu USD).

Năm ngoái, Texhong đã nhận giấy chứng nhận đầu tư và chính thức khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD. Nguồn: internet
Năm ngoái, Texhong đã nhận giấy chứng nhận đầu tư và chính thức khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD. Nguồn: internet

Nguồn tin này cho biết, Texhong muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam để đa dạng hóa nguồn thu. “Việt Nam có sức cạnh tranh công nghiệp mạnh tại Đông Nam Á”, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Texhong nói và cho biết, Campuchia và Myanmar cũng là những “miền đất hứa”; cònkinh tếTrung Quốc dù đang đi xuống, nhưng Công ty không có kế hoạch rời thị trường này.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Texhong đã có tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào năm 2006, với tổng vốnđầu tưtrên 200 triệu USD. Năm 2012, Texhong tiếp tục xây dựng một nhà máy sợi 300 triệu USD ở Quảng Ninh và đến năm 2013 đã đi vào hoạt động.

Năm ngoái, Texhong đã nhận giấy chứng nhận đầu tư và chính thức khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD. Tập đoàn này đồng thời cũng rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Trong đó, giai đoạn I dự kiến hoàn thành cuối năm nay và đến tháng 12/2017, sẽ hoàn tất việc đầu tư.

Bên cạnh đó, để phục vụ các dự án thứ cấp tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Texhong cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 2.000 MW tại đây. Năm ngoái, Texhong đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện dự án này.

Texhong đang tích cực phối hợp với Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này. Texhong cũng đã đề xuất việc tham gia đầu tư tại Khu kinh tế Móng Cái, mở tuyến bay phi cơ từ Liễu Giai (Trung Quốc) đến Vịnh Hạ Long và ngược lại, cũng như xây dựng một bến cảng chuyên dụng tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà…

Texhong hiện được coi là một đối tác chiến lược của Quảng Ninh, nên đã được địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án. Trong khi đó, theo khẳng định của ông Hồng Thiên Chúc, việc Texhong tập trung đầu tư tại Việt Nam là do các yếu tố cạnh tranh về giá nhân công và cũng là để đón đầu các cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại.

Ông Hồng Thiên Chúc cũng nhiều lần khẳng định, sự ra đời của Khu công nghiệp Texhong Hải Hà chính là bước đi đón đầu xu thế chuyển dịch, nâng cấp ngành nghề trên toàn cầu, là bước đột phá quan trọng đối với chiến lược quốc tế hóa của Tập đoàn Texhong và cũng là để gây dựng một nền móng ngành nghề dệt may có sức cạnh tranh lớn nhất trên toàn cầu.

Texhong dự định biến Khu công nghiệp Texhong Hải Hà trở thành một chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung khép kín. Không chỉ trực tiếp đầu tư, Texhong cũng đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào đây.

Theo tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Texhong đang phối hợp với khoảng 200 nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Ban đầu, Texhong muốn “ẵm” tới 3.000 ha đất của Khu công nghiệp Hải Hà (cũ) để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, với quy mô đầu tư khoảng 800 triệu USD. Tuy nhiên, Chính phủ mới chỉ đồng ý Texhong triển khai giai đoạn I trên diện tích 660 ha.