Thách thức IPO

Theo Thuận Hóa/diendandoanhnghiep.vn

“Bữa tiệc” IPO vẫn chưa bùng nổ ở Việt Nam khi thị trường có không ít thách thức, hạn chế với các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với nhóm cổ phiếu công nghệ, đa phần là các doanh nghiệp vừa “thoát thai” startup chưa lâu, tuy mang vóc dáng kỳ lân nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hồ sơ IPO theo Luật Chứng khoán 2019. Trong đó, nếu như quy định vốn điều lệ (30 tỷ đồng) không làm khó doanh nghiệp đã có quy mô, thì quy định doanh nghiệp IPO phải có lãi 02 năm liền trước IPO (trước đây chỉ cần lãi 1 năm), đồng thời không có lỗ lũy kế… khiến không ít đơn vị “chùn bước” IPO.

Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp địa ốc, các quy định lãi này cũng là “rào cản” để họ hướng đến IPO, khi không ít doanh nghiệp có quy mô, có quỹ đất, có dự án, nhưng việc hạch toán lợi nhuận phải dựa trên kỳ ghi nhận doanh số bán hàng (ở đây là sản phẩm địa ốc) theo quy định kế toán, do đó, có thể sẽ có những đơn vị chưa đảm bảo lãi 2 năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, một yếu tố khiến IPO của các doanh nghiệp có thể khó thành công, đó là “doanh nghiệp phải có câu chuyện hay”, theo ông Nguyễn Đình Cường -Tổng giám đốc EY Việt Nam. Nhưng như thế nào là một câu chuyện hay khi thị trường bất động sản (BĐS) lại đang bị siết tín dụng và có thể chững lại?

Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng cấp chuẩn mực kế toán, công khai minh bạch thông tin, từ thông tin về nhân sự… đến các thông tin hoạt động, kiểm soát lợi ích của các cổ đông. Không ít doanh nghiệp BĐS “vướng” rào cản này do vẫn chưa sẵn sàng cơ chế quản trị công ty đại chúng, kiểm toán sổ sách thường niên…

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, mảng bán lẻ tiêu dùng đang khởi sắc và được đánh giá sẽ là mảng “dịch chuyển giá lạm phát về phía người tiêu dùng”, nên vô cùng thuận lợi trong kế hoạch huy động vốn IPO. Mở màn là kế hoạch IPO rầm rộ đầu năm của Nova Consumer. Ông Nguyễn Đình Tài, Chủ tịch MWG cũng tiết lộ Bách hóa Xanh lên kế hoạch IPO chào bán tối thiểu 20% cổ phần…