Thái Nguyên: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản và thực hiện tốt chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn.

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi, đất đai, thổ nhưỡng tốt với hơn 60% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do đó, Tỉnh quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng kênh phân phối đưa nông sản tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Những năm qua, với việc triển khai tốt các hoạt động truyền thống như: Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các hội chợ, triển lãm, Thái Nguyên hợp tác với các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản Thái Nguyên vươn xa không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu.
Năm 2024, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với TikTok Việt Nam và Công ty TNHH Shopee Việt Nam. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2024.
Ngoài ra, để đưa sản phẩm trà vươn xa, hàng chục nhà sáng tạo nội dung từ TikTok đã tham gia chuyến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa trà địa phương cũng như trải nghiệm những công đoạn để làm ra sản phẩm trà từ công đoạn hái chè đến chế biến trà theo phương thức truyền thống. Từ những trải nghiệm của các nhà sáng tạo nội dung sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm chè, trà Thái Nguyên đến gần hơn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, việc khai trương “Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên” trên sàn thương mại điện từ Shopee giữa tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Shopee Việt Nam đã tạo ra mô hình mới, chưa có tiền lệ và Thái Nguyên được xem là tỉnh tiên phong trong triển khai mô hình này.
Trước đó, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã hỗ trợ đưa sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Thái Nguyên được cập nhật trên ứng dụng C-Thainguyen, qua đó giúp người nông dân dễ dàng kết nối khi có sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tỉnh lựa chọn đưa lên 2 sàn thương mại điện tử là Postmart.vn và Voso.vn.
Cùng với mở rộng thị trường hàng nông sản, Thái Nguyên tập trung nâng cao giá trị hàng nông sản và khai thác tiềm năng bàn địa. Theo đó, thực hiện chương trình OCOP, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã xác định được sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chủ lực và chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Đến nay, Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng quan tâm. Nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, vùng chè đặc sản Tân Cương được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã góp phần nâng tầm ngành Nông nghiệp Thái Nguyên.
Trong triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Thái Nguyên đã quy tụ được cộng đồng người bán hàng năng động, đoàn kết và một hệ sinh thái sản phẩm OCOP dồi dào cùng với việc gắn kết và phát huy các yếu tố đặc sắc về địa lý, lịch sử, văn hóa truyền thống. Đây là những tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của Tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao giá trị nông sản trong thời gian tới.