Thấm sâu lời dạy của Bác

Theo xaydungdang.org.vn

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là những phẩm chất đạo đức cơ bản làm nên cái gốc của con người cách mạng, bởi nó diễn ra hàng ngày hàng giờ, trong công tác và sinh hoạt. Đây cũng là đạo đức truyền thống phương Đông được Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc, bổ sung những yêu cầu, nội dung mới. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết tháng 6/1949, Người nêu rõ: …Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng thi đua ái quốc.

Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam dịp Tết nguyên đán. Nguồn: internet.
Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam dịp Tết nguyên đán. Nguồn: internet.

                        Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông

                         Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc

                         Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính.

                        Thiếu một mùa thì không thành trời

                        Thiếu một phương thì không thành đất

                        Thiếu một đức thì không thành người.

Người giải nghĩa cụ thể: Cần là lao động cần cù siêng năng, lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao… Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình. tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa sỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”Cần kiệm là phẩm chất của người lao động trong đời sống, trong công tác. Liêm là trong sạch, là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham tâng bốc mình… Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực.

Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Người còn chỉ rõ: Liêm chính là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành nhiệm vụ.

Với Chủ tịch hồ Chí Minh, nói luôn đi đôi với làm. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương ngời sáng về cần, kiệm, liêm, chính cho các thế hệ sau học tập và làm theo. Hình ảnh giản dị, gần gũi, mộc mạc của Bác với đôi dép cao su, bộ quần áo ka- ki cũ, bữa ăn đạm bạc, ngôi nhà sàn đơn sơ làm nơi ở…đã khắc sâu vào tâm trí không chỉ cán bộ và nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Thực hiện cần, kiêm, liêm, chính, sinh thời Bác luôn từ chối việc tổ chức sinh nhật mình. Năm 1949, Bác có bài thơ “không đề”, trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:

                     “Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà

                      Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

                      Chờ cho kháng chiến thành công đã

                      Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Nhưng đến khi kháng chiến thành công, thấy dân ta còn nghèo, đất nước ta còn nhiều khó khăn, vất vả, lại bước vào đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên Bác vẫn không cho tổ chức sinh nhật mình.

Đến lúc đi xa, dù trên ngực Bác không một tấm huân chương, nhưng tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân cả nước tặng cho Người là niềm tin tuyệt đối, là tình cảm kính yêu vô bờ bến, là sự tự hào khi người dân Việt Nam được nhắc đến tên Bác: Hồ Chí Minh                                 

Lời dạy và tấm gương của Bác về vần, kiệm, liêm, chính đã dần ngấm sâu và thấm đẫm trong tâm hồn cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã khơi dậy, tiếp thêm sức mạnh cho việc học tập và làm theo tấm gương của Người.

Nhiều nơi cán bộ và nhân dân đã coi lãng phí cũng là phạm tội, dù là lãng phí của cải do chính mình làm ra và đề nghị: Tiết kiệm nhất thiết phải là một “quốc sách” và phải là một trong những tiêu chuẩn chính để đánh giá các cấp ủy, chi bộ, cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể… có trong sạch, vững mạnh hay không? Thành ủy Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ riêng giai đoạn (2011-2015), Hà Nội đã tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách hơn 3 nghìn tỷ đồng.

Phong trào vận động toàn dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm, ngày càng đạt thành tích khả quan. Tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016 là địa phương đi đầu trong việc tinh giản biên chế, sắp đặt lại bộ máy bằng việc thu gọn đầu mối, là một điển hình của sự thành công về tiết kiệm. Cách làm này, từ năm 2014 đến nay, giúp Quảng Ninh tiết kiệm trên 300 tỷ đồng một năm nhưng bộ máy hoạt động rất hiệu quả.

Mục đích cuối cùng trong cấu trúc bộ máy là làm thế nào để quản lý Nhà nước tốt nhất, đưa nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc như lời Bác dạy. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã nhận thức: thu tốt phải đi đôi với chi tốt tức là chi đúng và triệt để tiết kiệm, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước, phải gắn với sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế và phòng chống tham những, lãng phí.

Nói một cách hình ảnh: Đây là cuộc cách mạng chống lại thói hư, tật xấu ngay trong “cơ thể hành chính mỗi địa phương”. Đó cũng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác, làm theo tấm gương của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm, chính.