Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước
Nhân dịp Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2017), ngày 27/4/2017, tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cùng Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi Hội thảo “Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước”.
Tổng bí thư Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê - nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước”, đồng chí Nguyễn Viết Lợi, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Viện CL&CSTC) chủ trì Hội thảo khẳng định: "Lịch sử nước ta mãi mãi ghi nhận công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2017) là dịp để các thế hệ hiện nay ôn lại những đóng góp và công lao to lớn của Tổng bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước”.
Đồng chí Nguyễn Viết Lợi, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Với gần 20 bài tham luận gửi đến Hội thảo và các ý kiến, thảo luận sôi nổi khác, Hội thảo đã khắc họa rõ nét chân dung Tổng bí thư Lê Duẩn với bản lĩnh của một lãnh tụ cách mạng, một tư duy độc lập, sáng tạo đã góp phần quan trọng trong việc hình thành những quan điểm cơ bản về đường lối, chiến lược cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và con người.
Trong quá trình hoạt động cách mạng kiên cường, phong phú của mình, đồng chí Lê Duẩn là một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Duẩn đã luôn vận dụng, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Là người chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, Tổng bí thư Lê Duẩn không những là một kiến trúc sư chiến lược, mà còn là một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu, quá độ lên CNXH, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn và vững chắc của cả nước.
Đồng chí Đinh Đức Xương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo
Với quan điểm phát triển công nghiệp hóa làm nền tảng cho sự đi lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, đúng đắn và phù hợp với thực tế của Việt Nam khi nước ta có xuất phát điểm thấp, sức sản xuất hạn chế và bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên CNXH. Quan điểm này tiếp tục được củng cố và mở rộng qua mỗi kỳ Đại hội Đảng với những chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay.
Tại buổi Hội thảo, đồng chí Đinh Đức Xương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính nhận định: "Hội thảo đã có những nghiên cứu mang tính lý luận, thực tiễn, có ý nghĩa to lớn khi được tổ chức đúng vào dịp Kỷ niệm 42 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2017), 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Các nghiên cứu, tham luận của Hội thảo sẽ được tổng hợp cùng với tình hình thực tiễn trong nước hiện nay, báo cáo, tham mưu cho các Lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác tài chính - ngân sách, giúp lãnh đạo Bộ tham mưu cho Đảng và Nhà nước đưa các tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn về xây dựng CNXH, về đổi mới vào công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay".