Xây dựng Nông thôn mới: Địa phương cần xây dựng lộ trình trả nợ

PV.

Các địa phương cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn ngân sách, nguồn hợp pháp để xử lý nợ. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn để các địa phương cân đối trả nợ…

Số nợ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương
Số nợ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương

Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến (Bộ NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề tháo gỡ nợ đọng xây dựng NTM.

Xin ông cho biết kết quả kiểm tra giám sát nợ đọng xây dựng NTM của Bộ NN&PTNT đến thời điểm hiện nay?

-Thực hiện Quyết định số 14/QĐ-BCĐTW-VPĐP của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tại các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Trong các tỉnh, Thái Nguyên có số nợ đọng lớn nhất khoảng trên 600 tỷ đồng, Phú Thọ và Bắc Giang khoảng 190 đến 200 tỷ đồng.

Kết quả sơ bộ cho thấy, số nợ vẫn trong tầm kiểm soát của các địa phương, nhìn chung mức nợ bình quân các xã là không lớn so với tổng nguồn lực cần huy động để thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn và các địa phương đã có kế hoạch, lộ trình trả nợ tương đối rõ ràng. Điều quan trọng hiện nay là số nợ này nằm trong các công trình hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng và người dân tại các địa phương sớm được hưởng lợi từ những công trình này. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ đọng ở các địa phương này là huyện và xã trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để làm vốn đối ứng trong xây dựng NTM nhưng trên thực tế do khó khăn của thị trường bất động sản nên số thu thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Xây dựng Nông thôn mới: Địa phương cần xây dựng lộ trình trả nợ - Ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Tiến

Thưa ông, nhiều địa phương đã “trót vay” thì sẽ phải làm như thế nào để trả nợ?

-Hầu hết các địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM đều có cam kết sẽ cố gắng giải quyết xong vấn đề nợ đọng. Cụ thể, sẽ tập trung vào các giải pháp như có kế hoạch và lộ trình xử lý các khoản nợ đọng một cách hợp lý, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trực tiếp hỗ trợ cho các công trình đã thi công để thanh toán nợ đọng; tạo điều kiện thuận lợi để các xã tăng khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đúng qui định hiện hành; tiếp tục tuyên truyền, vận động tranh thủ các nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng NTM; nâng cao năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản…

Với trách nhiệm của cơ quan thường trực Chương trình xây dựng NTM, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các địa phương trước hết phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, chỉ thị và các văn bản của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Theo đó, thứ nhất, yêu cầu các địa phương phải tiến hành thống kê, báo cáo tổng hợp cụ thể tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể. Địa phương đã cam kết cơ bản xử lý xong nợ trong năm 2016 phải nghiêm túc thực hiện, không để phát sinh nợ mới. Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Thứ hai, không xem xét công nhận đạt chuẩn NTM và không khen thưởng đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản không đúng qui định. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Thứ ba, nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, phát sinh nợ xây dựng cơ bản không đúng qui định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải bị kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Trên cơ sở rà soát, kiểm tra thực tế, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành liên quan đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn để các địa phương cân đối trả nợ.

Thực tế, xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, sôi nổi, hiệu quả, đều khắp ở nhiều tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn trong xây dựng NTM của các địa phương như trường hợp lãnh đạo huyện, xã “ứng” trước nguồn lực, thậm chí “ứng” cả nguồn lực của gia đình cho địa phương vay theo lãi suất cao. Ông nhận xét gì về cách “ứng vốn” này, thưa ông?

-Chúng tôi đã có quan điểm rõ ràng trong các văn bản tham mưu trình Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các địa phương kiên quyết không cho phép DN hay các thành phần khác tự bỏ vốn hay “ứng vốn” để chuẩn bị đầu tư, thi công dự án xây dựng NTM khi chưa được bố trí vốn từ ngân sách, hoặc chưa xác định được khả năng huy động và cân đối nguồn lực cho công trình. Chúng tôi cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương về qui trình xây dựng công trình, trước hết phải căn cứ vào nguồn lực của ngân sách Trung ương, ngân sách của địa phương đã phân bổ để Ban quản lý xã công khai công bố cho người dân và cộng đồng được biết để từ đó xác định thứ tự ưu tiên đầu tư nhằm đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của người dân và cộng đồng, cũng như phù hợp với khả năng cân đối và huy động nguồn lực.

Xin cảm ơn ông!