Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022: Chung tay giảm thiểu rủi ro

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Bắt đầu từ hôm nay đến ngày 31/5/2022, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động diễn ra trên quy mô cả nước nhằm huy động các nỗ lực giảm thiểu các rủi ro trong lao động, sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 có chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19”.

Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động.

Các cấp công đoàn sẽ tập trung triển khai có hiệu quả định hướng 10 hoạt động theo kế hoạch và 4 hoạt động trọng tâm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức Tháng Công nhân gắn với triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022.

Trọng tâm là tập trung chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; quyết liệt Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

So với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm cả số người chết và tai nạn lao động nặng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Năm 2021, toàn quốc xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4 ngàn tỷ đồng và hơn 116 ngàn ngày công. Số người bị tai nạn đến các cơ sở khám, điều trị là 18.951 người, trong đó khám điều trị lần đầu là 12.884 người.

Về bệnh nghề nghiệp, năm 2021 khám, phát hiện 255 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2021 còn quá ít với 26 người.

Về quản lý sức khỏe, số lao động được khám sức khỏe năm 2021 là 1.458.828 người, giảm so với năm 2020 là 1.756.139 người. Tỷ lệ sức khỏe loại yếu tăng rõ rệt, loại 4 là 10.2% (năm 2020 là 6.8%) và loại 5 là 3.3% (năm 2020 là 2,1%).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.

Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một trong các quyền cơ bản của người lao động là "được làm việc bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc".

“Chúng ta lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây cũng chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.