Thanh Hóa cần làm tốt quy hoạch để không có sự mâu thuẫn trong phát triển
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày 26/9/2016.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều nỗ lực, phát triển nhanh, toàn diện, có nhiều công trình mới được xây dựng. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, tỉnh phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng là tỉnh lớn với dân số trên 3,5 triệu người, quy mô kinh tế của Thanh Hóa còn nhỏ và vẫn cần trợ cấp từ ngân sách Trung ương tới 50%. Nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, năng suất lao động còn thấp.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 75% mức bình quân của cả nước. Tính bình quân 475 người dân mới có một doanh nghiệp trong khi tỉ lệ này của cả nước là 160 người dân có một doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở Thanh Hóa chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ...
Thủ tướng cũng cho rằng Thanh Hóa cần làm tốt quy hoạch để không có sự mâu thuẫn trong phát triển. Trong lãnh đạo, điều hành, chú ý bảo đảm nguyên tắc của kinh tế thị trường. Xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới tư duy phát triển, tìm mô hình phù hợp, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế đi liền với ổn định xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội...
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị chăn nuôi, phát triển thủy sản, đưa doanh nghiệp về nông thôn. Triển khai các biện pháp để phát triển vùng miền Tây Thanh Hóa hiện còn nghèo khó. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa xuống dưới mức bình quân của cả nước.
Thanh Hóa cần nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết không phê duyệt và khởi công mới các dự án khi chưa xác định được nguồn vốn, không để phát sinh nợ mới; quản lý chặt chẽ ngân sách, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.