Thanh khoản ngân hàng đã dồi dào trở lại

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Sau những căng thẳng đầu năm nay, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã trở nên dồi dào trong những tuần gần đây. Yếu tố nào giúp các nhà băng “giải nhiệt” nguồn vốn và xu hướng sắp tới sẽ diễn biến như thế nào?

Yếu tố nào giúp các nhà băng “giải nhiệt” nguồn vốn và xu hướng sắp tới sẽ diễn biến như thế nào? Nguồn: internet
Yếu tố nào giúp các nhà băng “giải nhiệt” nguồn vốn và xu hướng sắp tới sẽ diễn biến như thế nào? Nguồn: internet

Thanh khoản dồi dào

Sau giai đoạn luôn duy trì ở mức cao, từ 4-5% trong ba tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã đi xuống trở lại kể từ đó đến nay.

Tính đến 31/5/2019, lãi suất qua đêm nằm ở mức 2,76%, một tuần là 3,07% và một tháng là 3,81%. Thanh khoản ngân hàng cải thiện mạnh mẽ được cho là yếu tố chính giúp kéo lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp trong hai tháng qua.

Một diễn biến khác cho thấy thanh khoản hệ thống dư thừa là động thái hút ròng liên tiếp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua. Trong tuần cuối tháng 5/2019 vừa qua, nhà điều hành đã hút ròng hơn 41.000 tỷ đồng, đánh dấu mức hút ròng trong 4 tuần của tháng 5/2019 là hơn 38.000 tỷ đồng.

Với mức hút ròng mạnh mẽ như trên, tổng lượng OMO đang lưu hành (bơm ròng) từ mức gần 160.000 tỷ đồng vào giai đoạn cao điểm tháng 2/2019 đã liên tiếp giảm mạnh cho đến nay. Cụ thể, nếu tính chung trong 5 tháng qua, tổng giá trị hút ròng đã lên đến 141.300 tỷ đồng. Trong khi đó, với việc liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về, tổng giá trị tín phiếu đang lưu hành đã tăng nhanh từ tháng 4/2019 đến nay, hiện ở mức 84.800 tỷ đồng.

Với lượng vốn dư thừa, các ngân hàng tích cực tham gia đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Trong tháng 5/2019, tỷ lệ giá trị đăng ký và gọi thầu lên đến 2,8 lần, trong khi tỷ lệ trúng thầu và gọi thầu đạt mức 70%, cao nhất trong ba tháng qua. Nhu cầu cao trở lại cũng giúp lợi suất trên thị trường trái phiếu có điều kiện đi xuống và ổn định ở mức thấp so với giai đoạn trước đó.

Thanh khoản dồi dào còn thể hiện qua việc một số ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi trở lại trong những tuần gần đây. VIB, Nam Á, Bản Việt, VPBank, Quân đội, Techcombank đã lần lượt điều chỉnh khung lãi suất huy động trong hai tháng qua, trong đó đáng chú ý có VIB liên tiếp giảm hai lần trong tháng 5/2019 còn VPBank giảm đến 4 lần kể từ đầu năm đến nay.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Tăng trưởng tín dụng chậm hơn kỳ vọng được xem là một trong những yếu tố giúp nguồn vốn tại các ngân hàng quay trở lại giai đoạn dư thừa. Theo thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2019 do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng tính đến 21/5/2019 chỉ đạt 5,07%, tiếp tục thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái (5,42%).

Với nền kinh tế có nguy cơ đối mặt bất ổn trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp có xu hướng hạn chế vay vốn mở rộng hoạt động, nhất là khi có nhiều dự báo cho thấy mặt bằng lãi suất có thể đi lên trong thời gian tới. Áp lực cạnh tranh lên doanh nghiệp trong nước sẽ càng gia tăng khi hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc trước hàng rào thuế quan của Mỹ có thể tràn vào Việt Nam.

Ở phân khúc cho vay khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản liên tiếp nóng lên trong hai năm trở lại đây đã làm gia tăng rủi ro, lãi suất cho vay mua nhà tăng lên, trong khi cho vay tiêu dùng liên tiếp bị cảnh báo và thắt chặt hơn, khiến dư nợ cho vay ở phân khúc này chậm lại so với thời kỳ tăng nóng trước đây. 

Nếu xu hướng này tiếp tục, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thậm chí có thể không đạt được mục tiêu 14% đặt ra trong năm nay. Về cơ bản, nhà điều hành đang tiếp tục định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định nền kinh tế, trong bối cảnh những bất ổn khó lường từ thế giới, cũng như trước diễn biến lạm phát và tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh gần đây.

Với rủi ro của thị trường bất động sản tăng lên, thị trường chứng khoán liên tiếp điều chỉnh mạnh khiến dòng tiền đầu tư có xu hướng rót trở lại vào kênh tiền gửi ngân hàng, càng giúp nguồn vốn của các nhà băng tiếp tục cải thiện.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng không ngừng phát hành giấy tờ có giá với lãi suất cao để tăng huy động vốn trung, dài hạn, cũng giúp vốn huy động tăng cao. Như ACB mới đây đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần hai trong năm tài chính 2019, với giá trị lên tới 5.500 tỷ đồng, sau khi đã phát hành 2.500 tỷ đồng trong tháng 4/2019. 

Hay như tại Ngân hàng TMCP Vietinbank ngày 22/5/2019 cũng đã được NHNN chấp thuận phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2019. Việt Á, Sacombank, SeaBank, BIDV cũng tăng cường phát hành giấy tờ có giá từ đầu năm đến nay.

Lượng cung tiền gia tăng mạnh mẽ còn do NHNN tăng cường mua ngoại tệ để dự trữ. Thông tin chia sẻ cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 17/4/2019, NHNN đã mua vào đến 8,35 tỷ USD, theo đó một lượng tiền đồng lớn đã được bơm ra tương ứng. Chính sách này cũng là một yếu tố quan trọng giúp thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào trở lại trong hai tháng gần đây.

Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán rót ròng với hàng loạt thương vụ M&A và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì lượng cung ngoại tệ sẽ tiếp tục dồi dào và tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục mua mạnh ngoại tệ, từ đó thanh khoản tiền đồng có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.