Thanh khoản trên 26.000 tỷ đồng đến từ đâu?
VN-Index rơi nhanh và mạnh (giảm 14,55%) trong tuần qua khiến nhiều người có cảm nhận thị trường chứng khoán (TTCK) bị lệch hẳn về một bên, chỉ toàn lệnh bán tháo. Tuy nhiên, bức tranh giao dịch cả tuần cho thấy, có đến 26.257 tỷ đồng cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương với việc có ít nhất 26.257 tỷ đồng được tung vào thị trường, mua cổ phiếu trên sàn.
Nhận diện chủ thể mua chính trên sàn
Theo thống kê của Sở GDCK TP.HCM, tuần qua, sàn niêm yết tại đây có tổng giá trị giao dịch là 26.257,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận là 5.701 tỷ đồng, chiếm 21,71% tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường.
Với khối nhà đầu tư chuyên nghiệp, tự doanh của các công ty chứng khoán mua vào tổng cộng gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời bán ra gần 901,6 tỷ đồng.
Lũy kế, loại nhà đầu tư này mua ròng nhẹ 99 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài có tổng giá trị bán 4.676,2 tỷ đồng, trong khi giá trị mua vào là 2.899,3 tỷ đồng, tức bán ròng 1.776,9 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả giao dịch thoả thuận, giao dịch khối ngoại và khối tự doanh thì tổng nhóm này mua vào chiếm 25,71% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tuần qua.
Ở chiều ngược lại, 3 loại nhà đầu tư trên có tổng giá trị bán ra chiếm 32,1% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Kết quả này cho thấy, những tổ chức và nhà đầu tư trụ cột đã bán nhiều hơn mua, không có động thái trụ lại để góp sức ổn định tâm lý nhà đầu tư và giảm bớt đà rơi của chỉ số.
Chủ thể giao dịch nhiều nhất tuần qua lại là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, khi lực bán của đối tượng này chiếm 67,9% và lực mua chiếm 74,29% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Nhà đầu tư trong nước là chủ thể bán nhiều nhất, nhưng cũng đồng thời là chủ thể mua nhiều nhất trong các phiên thanh khoản kỷ lục.
Nguồn cung được tung ra thị trường chủ yếu đến từ việc bán do áp lực giải chấp khi giá đồng loạt các cổ phiếu đột ngột giảm mạnh, nhiều tài khoản sử dụng margin cao chạm ngưỡng mất an toàn.
Một phần lực bán nữa đến từ những nhà đầu tư muốn chủ động cắt lỗ, hoặc bán tạm thời để thu tiền về, chờ cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ hơn.
Về sức cầu, nhiều nhà đầu tư giữ được tiền mặt ở giai đoạn trước đã âm thầm tham gia bắt đáy, đặc biệt là các cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định. Sức cầu của các nhà đầu tư này đã góp phần quan trọng tạo nên thanh khoản đột biến trong tuần qua.
Áp lực giải chấp còn mạnh
Giả sử, cổ phiếu A có giá ban đầu là 50.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư sử dụng margin 50%. Nếu tỷ lệ duy trì tài khoản vay tối thiểu là 35% thì nhà đầu tư sẽ bị ép bán khi cổ phiếu giảm về 38.500 đồng, tức giảm gần 30%.
Thống kê trong 6 phiên gần đây cho thấy, nhiều cổ phiếu lớn có bước giảm giá mạnh, như BVH giảm 30,13%, BID giảm 29,99%, PNJ giảm 29%, FRT giảm 28,91%, PVS giảm 28,48%, HDG giảm 28,06%, HCM giảm 27,55%, HDC giảm 27,11%, MWG giảm 26,29%...
Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán còn ngầm cho phép nhà đầu tư áp dụng chính sách margin cao hơn 50%.
Với những nhà đầu tư sử dụng dịch vụ này, sức ép bán giải chấp là cao hơn nhiều so với việc áp dụng đúng quy định vay 50%.
Lực bán mạnh và nhiều hơn dòng tiền tham gia bắt đáy đã đẩy mức giá đóng cửa các mã cổ phiếu về giá thấp trong nhiều phiên.
Tuy nhiên, thanh khoản tăng cho thấy, khi giá cổ phiếu càng giảm mạnh, càng thôi thúc nhà đầu tư giá trị tham gia bắt đáy với tầm nhìn trung và dài hạn.
Ðặc biệt, thời điểm hiện tại khi các ngân hàng thương mại đang hạ lãi suất tiết kiệm, cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, tỷ lệ lợi tức trên thị giá cao sẽ hấp dẫn nhà đầu tư giá trị.
Hiện TTCK vẫn đang trong tâm điểm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đáy chưa hình thành.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ đang tiếp tục quan sát động thái giao dịch, nhất là ở các cổ phiếu có thanh khoản cao để đánh giá việc xuất hiện tín hiệu bắt đáy thành công. Khi có niềm tin về “đáy”, nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc giải ngân và yên tâm chờ đợi sự phục hồi.