Thành lập chi cục thuế khu vực giảm đầu mối, không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp

Theo Trung Kiên/tapchithue.com.vn

Theo Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm 2020 toàn Ngành sẽ giảm 50% số chi cục thuế. Ngay trong năm 2018 sẽ có 327 chi cục thuế sắp xếp, sáp nhập thành 154 chi cục thuế khu vực. Vậy việc triển khai sẽ diễn ra như thế nào, quá trình chia tách có ảnh hưởng đến việc khai, nộp thuế của các tổ chức cá nhân hay không? Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Vi Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế.

Phóng viên: Theo lộ trình, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa (trước 1/7) ngành thuế phải hoàn thành việc sáp nhập 192 chi cục thuế đầu tiên thành 90 chi cục thuế khu vực, giảm 102 đầu mối. Vậy công việc này đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế, ông Vi Thanh Sơn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế, ông Vi Thanh Sơn.
Ông Vi Thanh Sơn: Ngày 13/4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC phê duyệt kế hoạch triển khai, sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế các quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải triển khai đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo tinh gọn, ổn định, không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Triển khai nhiệm vụ này, ngay khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế khu vực. Theo đó, cơ quan thuế đã ban hành kế hoạch triển khai chi tiết; thành lập ban chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế từ trung ương đến các địa phương.
Tổng cục Thuế cũng phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tại cục thuế đại diện cho các vùng miền trong cả nước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc trong quá trình sắp xếp, sáp nhập. Với quyết tâm chính trị cao trong toàn Ngành thì việc thành lập chi cục thuế khu vực sẽ được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Ông có thể nói rõ hơn việc sắp xếp sẽ căn cứ theo những tiêu chí cụ thể nào?
Việc sáp nhập các chi cục thuế đã được nghiên cứu, xây dựng thành đề án, đảm bảo các chi cục thuế khu vực sau khi thành lập hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, kết hợp sắp xếp lại nguồn nhân lực để thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế, đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế có giao các địa phương nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập căn cứ theo yếu tố địa lý, có tính đến yếu tố văn hóa, lịch sử và các điều kiện khác. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập không chỉ được thực hiện ở 2 chi cục thuế mà có địa phương đề xuất ghép 3 - 4 đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý.
Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo khi sáp nhập các chi cục thuế cũng có tiêu chí rõ ràng, theo đó sẽ dừng bổ nhiệm mới công chức lãnh đạo cấp chi cục hoặc tương đương thuộc các cục thuế và cấp đội thuộc chi cục thuế trên toàn quốc để ưu tiên cho việc sắp sếp công chức lãnh đạo thuộc chi cục thuế khi triển khai sắp xếp, sáp nhập.
Đối với cấp trưởng, sẽ ưu tiên bố trí các chức danh tương đương trong đơn vị. Trường hợp không thể bố trí các chức danh tương đương thì bố trí cấp phó tại các bộ phận phù hợp và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu.
Đối với cấp phó (chi cục phó và đội phó), trong thời gian thực hiện việc sắp xếp, số lượng cấp phó của các chi cục thuế có thể cao hơn quy định. Về lâu dài, sẽ điều chuyển, sắp xếp lại để đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định.
Trường hợp điều chuyển công chức lãnh đạo giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, đồng thời xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Đối với công chức thừa hành tại các đội phục vụ nội ngành như hành chính - nhân sự - quản trị - tài vụ… thì cơ bản giữ nguyên biên chế. Sau khi sắp xếp ngành thuế sẽ có biện pháp tinh giản dần theo hướng, cử đi đào tạo bồi dưỡng để tăng cường cho những bộ phận chuyên môn nghiệp vụ quản lý theo chức năng.
Đối với những công chức dôi dư không sắp xếp được, sẽ có phương án tinh giản và báo cáo cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của người lao động.   
Trong quá trình sáp nhập thì cơ sở vật chất, nơi giao dịch sẽ được tổ chức như thế nào để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công của cơ quan thuế?
Trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập các chi cục thuế, Tổng cục Thuế đã tính đến 3 mối quan hệ giao dịch giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan trên địa bàn và nội bộ cơ quan thuế.
Trong đó mối quan hệ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế luôn được chú trọng theo tinh thần không làm tăng thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại... Để thực hiện được yêu cầu đó, trước mắt vẫn duy trì bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế tại trụ sở cũ.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai, nộp thuế điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Khi các ứng dụng công nghệ thông tin đã đáp ứng được việc điện tử hóa các thủ tục hành chính, sẽ tính toán việc sắp xếp lại các trụ sở làm việc theo hướng thu gọn, nhằm tiết kiệm kinh phí, đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động diễn ra bình thường và chất lượng phục vụ người nộp thuế ngày càng được nâng cao.
Xin cảm ơn ông!