Thanh lọc thị trường bảo hiểm để phát triển bền vững
Nhiều nghị định, thông tư đã được ban hành nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng đã bắt đầu phát huy tác dụng, được kỳ vọng thanh lọc thị trường, phát triển thị trường minh bạch và bền vững.
Tăng chất trước khi tăng lượng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 30/11/2023, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 63.807 tỷ đồng (tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 140.038 tỷ đồng (giảm 11,60% so với cùng kỳ năm trước).
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm gặp khó là do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán qua ngân hàng (bancassurance) sau khi cơ quan quản lý có nhiều động thái siết chặt.
Cụ thể, sau khi ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân khi ra ngân hàng thực hiện các thủ tục vay vốn thì bị “ép” mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới được xem xét giải ngân gây nhiều bức xúc, vào ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời xác minh thông tin và xử lý ngân hàng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm.
Song song với đó, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý đối với thị trường bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện hơn, hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và chủ trì ban hành một thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và các nghị định hướng dẫn, bao gồm: Nghị định số 46/2023/NĐ-CP; Nghị định số 21/2023/NĐ-CP; Nghị định số 67/2023/NĐ-CP và Thông tư số 67/2023/TT-BTC.
Trong đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, quy định tại Nghị định số 46/2023/NĐ-CP và Thông tư số 67/2023/TT-BTC (hướng dẫn một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm) đã tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Cụ thể, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP đã bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo đó, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng. Người đứng đầu bộ phận chuyên trách bán bảo hiểm phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm/có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm;
Theo các chuyên gia pháp lý, đây là một thay đổi quan trọng so với Nghị định số 73/2016/NĐ-CP liên quan tới hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Đồng thời, tại Điều 52, 53, Thông tư số 67/2023/TT-BTC tiếp tục bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) xây dựng và cung cấp.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm, yêu cầu đại lý thông tin cho khách hàng về công cụ tính toán, giúp bên mua bảo hiểm có thể tự xây dựng được kế hoạch bảo hiểm và quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm khách hàng dự kiến tham gia trên trang thông tin điện tử (website) của DNBH.
Tiếp tục mạnh tay sàng lọc
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH, bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới...
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục thực hiện nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Tiếp tục thực hiện quản lý, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được phân công như tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động của từng DNBH; Tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tiếp nhận, phân loại thông tin phản ánh, kiến nghị theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-TTCP và Quy chế tiếp nhận thông tin để chuyển đến các đơn vị liên quan thuộc Cục QLBH để kiểm tra, xác minh xử lý và phản hồi người dân theo nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công.
Theo ông Phan Quốc Tuấn – CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực bảo hiểm, đã đến lúc cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn để thị trường bảo hiểm phát triển chất lượng và bền vững, dù hậu quả của đợt thanh lọc sẽ khá nặng nề cho tất cả các doanh nghiệp.
“Thị trường bảo hiểm có thể ví von như đang trải qua một đợt đại phẫu. Doanh nghiệp nào sức đề kháng mạnh thì sẽ sớm hồi phục. Các DNBH hiện đều phải tập trung đào tạo, quản lý chất lượng tư vấn, nâng cao chất lượng dịch vụ để lấy lại uy tín”, ông Tuấn cho biết.