Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Lan Anh

Hiện nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng (chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2019). Số liệu này cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở Việt Nam.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).  Theo thống kê, dự kiến số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet năm 2019 đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính riêng 9 tháng năm 2019, đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng. Số liệu này cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở nước ta.

Cùng với đó, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm… Các công ty viễn thông nên đẩy mạnh triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tồn tại, hạn chế

Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng TTKDTM hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

Một là, việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế còn gặp khó khăn do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế.

Hai là, các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ chưa đồng bộ và thống nhất. Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện TTKDTM.

Ba là, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước có khoảng 70% dân số tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong khi các đơn vị chấp nhận TTKDTM chỉ tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, thủ tục mở tài khoản, đổi pin, sử dụng thẻ chưa thuận tiện với nhiều người dân. Mặt khác, vẫn còn rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh mới

Hoạt động TTKDTM mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng chưa đạt như kỳ vọng, thời gian tới cần chú trọng đẩy mạnh một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong TTKDTM; tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả. Đối với các chính sách vĩ mô, cần có sự hài hòa giữa các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ tài chính và chính sách quản lý và giám sát các dịch vụ tài chính hiện đại.

Thứ hai, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện TTKDTM. Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay sẽ giúp khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng phương thức thanh toán, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp nhất.

Thứ ba, ngành Ngân hàng tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán.

Thứ tư, có biện pháp trấn áp hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động TTKDTM.

Thứ năm, có cơ chế tạo tiền đề để ngân hàng và Fintech hợp tác thuận lợi, đảm bảo cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán cho khách hàng.