Thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội: Vướng quy định, khó thực thi

Theo Minh Nhật/daibieunhandan.vn

Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, công tác thanh tra chuyên ngành BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi của người tham gia; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật còn nhiều khoảng trống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kịp thời phát hiện hành vi vi phạm

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 8.007 đơn vị, doanh nghiệp; kiểm tra tại 9.240 đơn vị; thanh tra kiểm tra liên ngành tại 5.117 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 47.393 lao động đóng thiếu mức quy định, thu được 1.907 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh kiểm tra, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 158,9 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định.

Đáng nói là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị, như giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản; gian lận vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp; chỉ định thuốc, xét nghiệm quá mức cần thiết, lập hồ sơ khám, chữa bệnh khống để thanh toán, hay người có thẻ BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám, chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian ngắn…

Ðể giải quyết vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và thanh tra ngành lao động, ngành y tế, các bộ, ngành liên quan để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT.

Quá trình thanh tra đã góp phần chỉ ra những bất cập, hạn chế, đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH các tỉnh, thành phố; phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Vẫn còn băn khoăn

Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được ngành BHXH triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua, song vấn đề khiến lãnh đạo ngành còn trăn trở đó là việc thanh tra, kiểm tra toàn diện để xử lý kịp thời hành vi vi phạm vẫn còn bất cập. Bởi lẽ, hiện tại, ngành BHXH mới chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, chưa được giao chức năng thanh tra chi trả và hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho nên tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ, chính sách chưa được xử lý kịp thời. Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra về chính sách BHXH, BHYT có nơi, có lúc chưa thường xuyên; chất lượng thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp liên ngành còn hạn chế.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Lan chỉ rõ, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ, dẫn đến một số hành vi vi phạm chưa thể xử lý được. Thẩm quyền của tổ chức BHXH về một số hành vi sai phạm cũng như việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành, chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT chưa đủ sức răn đe, một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, vẫn cố tình nợ đọng kéo dài hoặc trục lợi chính sách BHXH, BHYT.

“Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH như hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra; tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về BHXH…” - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Nguyễn Thị Ngọc Lan kiến nghị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các vấn đề liên quan đến việc tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu; sử dụng thẻ BHXH điện tử thay sổ BHXH, thẻ BHYT hiện hành... là bài toán lâu dài về mặt chính sách.

Việc trước mắt là toàn ngành BHXH cần nỗ lực quyết tâm, tích cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ, kịp thời biểu dương các đơn vị thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng.