Cần nhiều giải pháp phối hợp có hiệu quả cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế
Chính sách bảo hiểm y tế có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến đời sống xã hội và được người dân quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, Quỹ Bảo hiểm y tế đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng.
“Nóng” bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế
Dự báo, với tốc độ bội chi hiện nay cùng với các giải pháp kiểm soát chi chặt chẽ thì Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021. Thông tin này được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2017. Theo báo cáo thẩm tra, năm 2017, cả nước có 59/63 tỉnh bội chi, trong đó có một số tỉnh bội chi lớn, trên 1.000 tỷ đồng như: Nghệ An, Thanh Hóa, tiếp đến là Hà Nội và Quảng Nam cũng có số bội chi tương đối cao. Chỉ có 4 địa phương cân đối được Quỹ là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Đắk Nông. Cơ quan thẩm tra cho rằng, mức đóng BHYT không thay đổi trong khi mức hưởng, phạm vi quyền lợi của người có thẻ tăng lên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, lạm dụng quỹ hạn chế về chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tiếp tục là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối Quỹ BHYT.
Theo thống kê những năm qua, Quỹ BHYT đã liên tục rơi vào tình trạng mất cân đối. Năm 2016, số thu vào Quỹ là hơn 82.500 tỷ đồng thì số chi lên tới hơn 95.000 tỷ đồng; đến năm 2017 số thu cũng thấp hơn số chi khoảng 9.200 tỷ đồng. Dù mức độ bội chi trong năm 2017 có giảm hơn nhưng tình trạng này đã xuất hiện ở 59/63 tỉnh, thành phố, trong đó một số tỉnh, thành phố bội chi tới hơn 1.000 tỷ đồng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ước tính 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền thu BHYT là 37.891 tỷ đồng (chưa bao gồm số các cơ quan nợ đóng khoảng 3.500 tỷ đồng) với tỷ lệ sử dụng quỹ lên tới 122,57%, tức đã lâm cảnh bội chi quỹ BHYT. Đáng chú ý, tình trạng bội chi đã lan rộng tới 60/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, có tới 13 tỉnh, thành ước bội chi Quỹ BHYT từ trên 200 tỷ đồng, riêng 2 địa phương Nghệ An, Thanh Hóa bội chi hơn 700 tỷ đồng. Chỉ có 3 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai là không bội chi.
Trên thực tế, cùng với việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát sử dụng Quỹ BHYT bước đầu phát huy tác dụng. Nguồn quỹ kết dư từ những năm trước đã bù lại một phần mức chênh lệch thu - chi, qua đó quyền lợi của người tham gia BHYT tiếp tục được bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những nguyên nhân khiến Quỹ BHYT bị bội chi vẫn còn. Quỹ BHYT hiện đang mất cân đối tại 60 tỉnh, thành phố. Trên phạm vi cả nước, Quỹ BHYT đang tạm ổn thỏa dựa vào nguồn kết dư từ những năm trước. Nếu tình trạng này tiếp diễn đến năm 2020, theo nhận định của các chuyên gia, nguồn kết dư của quỹ cũng sẽ cạn kiệt và mối nguy “âm quỹ” là hiện hữu.
Chủ động giám sát
Quá trình thực hiện chính sách BHYT cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp như: Sự gia tăng các chi phí bất hợp lý, mệnh giá thẻ BHYT thấp, trong khi đó quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng với cơ quan BHYT tăng hàng năm, kết hợp với quy định KCB thông tuyến huyện, nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn và là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tăng lượt KCB và tổng chi KCB BHYT qua các năm. Vì vậy, ngành BHXH luôn phải đối mặt với bài toán cân đối quỹ KCB BHYT. Các cơ sở KCB đang dần chuyển sang tự chủ về tài chính.
Để bảo đảm cân đối nguồn quỹ BHYT, cần chú trọng thực hiện tốt các nhóm giải pháp như: Tập trung nâng cao chất lượng DVYT cơ sở, kiểm soát dịch vụ, giảm chi cho quỹ BHYT; giảm chi tiền thuốc, vật tư y tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT… Đồng thời, cần chú trọng rà soát lại việc giao tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý; tập trung vào thực hiện yêu cầu tự chủ với những đơn vị đủ điều kiện cân đối được thu - chi, tránh tình trạng áp lực cho các đơn vị phải tự đảm bảo nguồn chi lương, dẫn đến khả năng tăng chỉ định dịch vụ, kỹ thuật cho người bệnh đặc biệt cần nhấn mạnh nâng cao kiểm soát chất lượng dịch vụ...