Công nghiệp hỗ trợ:
Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững
Thiếu vốn, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thiếu cơ chế liên kết vùng, cụm công nghiệp, năng lực sản xuất chưa đi vào chiều sâu…. Những hạn chế này đặt ra yêu cầu về việc cần thiết sớm hoàn thiện một khung pháp lý về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Đây cũng là giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội khi nguồn vốn FDI đang được giải ngân rộng rãi ở nhiều địa phương.
Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo các chuyên gia, có 3 khó khăn mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm:
Thứ nhất, làm thế nào để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng các linh phụ kiện của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, phải liên tục cải tiến và nâng cao năng lực để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh được về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian đáp ứng với các đối thủ trong và ngoài nước; từ đó, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng lớn hơn, quy mô thị trường rộng hơn.
Thứ hai, phần lớn là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới thành lập, vì vậy, tiềm lực tài chính khá yếu, năng lực và kinh nghiệm thị trường không nhiều, để vượt qua sự cạnh tranh hay vượt qua các khủng hoảng như dịch Covid-19, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế trên thế giới đang diễn ra, sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách.
Thứ ba, là năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đơn hàng nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu, dẫn đến mất đơn hàng về các đối thủ khác. Đó là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thậm chí một số đơn hàng đáng lẽ là của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vì không đáp ứng được nên phải chuyển sang các nước khác xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan…
Ngoài ra, theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), dù thời gian qua, nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng, còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu nhân lực trong những ngành, nghề nặng nhọc độc hại. Còn về chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ. Các chuyên gia chỉ ra điểm đáng lo nhất hiện nay của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là năng suất lao động của lao động địa phương còn thấp, chỉ đạt 14,4%.
Cần khung pháp lý về hỗ trợ doanh nghiệp
Với Việt Nam, để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ cả về số lượng cũng như quy mô, ngoài bản thân các doanh nghiệp phải tự thân vận động, cải tiến máy móc, công nghệ, thì sự hỗ trợ của nhà nước và cơ quan chức năng như Bộ Công thương cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay những chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị định, Thông tư.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Hanpo Vina cho rằng, trong 5 năm đầu tiên doanh nghiệp thành lập, nếu như nhà nước có những chính sách về hỗ trợ, về vốn, về thuế cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như có những quỹ đầu tư có thể hỗ trợ các nguồn vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp này thì doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn đó và xây dựng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn đầu vốn rất khó khăn.
Thực tế, hiện đã có những chính sách phát triển cho công nghiệp như pháp luật về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… song, vẫn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn. Do đó, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện, hay một dự án Luật dành cho việc phát triển công nghiệp là cần thiết.
Cùng với đó, cần có thêm những chính sách về liên kết vùng, liên kết chuỗi trong các khu công nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất đi kèm với nhưng dự án của các doanh nghiệp FDI lớn. Điều này rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp, để khi các công ty FDI lớn cần sản phẩm phụ trợ nào thì doanh nghiệp Việt Nam đều sẵn sàng cung ứng và tìm kiếm đối tác.
Đồng quan điểm đó, Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá, trước hết, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không vi phạm các quy định các hiệp định kinh tế quốc tế đã và sẽ ký với quốc tế.
Ngoài ra, sự vinh danh, khuyến khích của nhà nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo ra sức mạnh chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ và góp phần phát triển nền công nghiệp quốc gia theo hướng bền vững. Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đòi hỏi phải có “trợ lực” của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.