Tháo gỡ khó khăn trong nghiên cứu khoa học tại các trường đại học Việt Nam
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở nước ta luôn bị đánh giá thấp cả về tầm vóc lẫn tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học.
Khảo sát cho thấy, hầu hết hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam chỉ mới chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy, còn hoạt động nghiên khoa học chưa được quan tâm đẩy mạnh, cho nên yếu cả về chất lượng và số lượng. Phân tích làm rõ thực trạng, nguyên nhân của vấn đề này, bài viết đề xuất một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học Việt Nam.
Thực trạng nghiên cứu khoa học tại các trường đại học
Khảo sát cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của đội ngũ giảng viên tại các trường đai học Việt Nam hiện nay đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của nhà trường như: Hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo khá đầy đủ và có chất lượng tốt phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, ngay trong một giáo trình môn học hay một bài giảng cũng là kết tinh của quá trình NCKH. Không chỉ phục vụ công tác giảng dạy, NCKH trong nhà trường còn đáp ứng nhu cầu mà xã hội và nền kinh tế đòi hỏi như chế tạo các sản phẩm có chất lượng, chế tạo máy móc công cụ… để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, để có thể tạo nên một môi trường NCKH tốt cho các giảng viên tại các trường đại học thì nhà trường cần đảm bảo các điều kiện sau: Có một môi trường làm việc thuận lợi cho công tác giảng dạy và NCKH; Sự trợ giúp tạo ra tiềm lực về thời gian và điều kiện vật chất cho nghiên cứu; Kiến thức về quản lý kinh tế và kinh nghiệm hoàn thành hồ sơ, sản phẩm đề tài NCKH và chuyển giao công nghệ. Bản thân các giảng viên cũng phải tạo ra và nuôi dưỡng lòng say mê NCKH theo định hướng hợp lý; Liên tục bám sát thực tế sản xuất, tìm ra hướng đề tài sát thực tế, hữu ích; Tổ chức tốt quá trình thực hiện đề tài (với các đồng nghiệp cùng hướng nghiên cứu); chắt lọc kết quả từ các đề tài NCKH và chuyển giao công nghệ, hệ thống hóa, bổ sung vào bài giảng.
Trong thời gian qua, hoạt động NCKH ở nhiều trường đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau kể cả trường công lẫn trường tư còn yếu cả về chất lượng và số lượng, hoạt động chính chủ yếu là giảng dạy. Theo thống kê, số bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc các công trình được công bố ở các cấp độ khác nhau trên đầu giảng viên đại học cho thấy, có rất nhiều giảng viên đại học có học vị tiến sỹ, phó giáo sư hoặc tham gia giảng dạy rất lâu năm nhưng hầu như không có được nhiều công trình nghiên cứu tương xứng hoặc chưa thực hiện được một công trình nào.
Hiện nay, cả nước có khoảng 700 trường đại học, học viện, cao đẳng với tổng số giảng viên là 74.991 người. Số lượng giảng viên và chức danh khoa học năm học 2017-2018 so với 2016-2017 được tăng lên đáng kể, nhưng số trường có bài báo được công nhận quốc tế (có bài báo ISI/SCOPUS) thì lại rất khiêm tốn.
Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn
NCKH tại các trường đại học trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào NCKH chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu. Mặt khác, đội ngũ giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, do vậy, hầu hết giảng viên đều chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài nghiên cứu. Nhiều đề tài được nghiên cứu dựa trên các mô hình đã được nghiên cứu từ trước, hoặc chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính bản thân giảng viên, hoặc nhu cầu của môn học, ngành học.
Thứ hai, chất lượng đề tài chưa tương xứng với kinh phí, cơ chế giám sát và đánh giá năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài còn yếu, phân bổ kinh phí dựa trên số lượng người nghiên cứu có học hàm, học vị… Ngoài ra, công tác giảng dạy và NCKH của giảng viên nói chung còn có sức ỳ quá lớn, nguyên nhân là do lịch giảng dạy phân bố, phân công không đồng đều, gây quá tải đối với giảng viên, khiến cho họ không có đủ thời gian đầu tư nghiên cứu. Công tác NCKH thiếu tính hệ thống, tập trung, đồng bộ, giảng viên nghiên cứu đề tài còn mang tính đơn lẻ, manh mún, NCKH chưa thực sự thu hút đông đảo giảng viên tham gia. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 74.991 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nhưng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (3%) tham gia nghiên cứu khoa học và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu.
Thứ ba, về kinh phí. Đây là vấn đề then chốt nhất và vướng mắc nhất của NCKH trong trường đại học. Hàng năm, nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 2% = 0,5% GDP. Trong số này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chỉ nhận được khoảng 8 -10% tổng chi ngân sách. Số kinh phí này còn ít nhưng cũng hơn nhiều nước khác như: Indonesia, Philippine…. Tuy nhiên, số kinh phí này lại phân chia chưa hợp lý, dàn trải giữa trung ương và địa phương, giữa cơ quan này với cơ quan khác…. Vì thế, kinh phí thực sự cho NCKH tại trường đại học rất hạn chế, đôi khi giáo viên chỉ coi NCKH là điều kiện bắt buộc phải hoàn thành.
Thứ tư, về chế độ đãi ngộ. Phụ thuộc vào tầm nhìn và nhận thức của lãnh đạo, quyền lợi, chính sách họ được hưởng. Các yếu tố này đều rất hạn chế nên người nghiên cứu không chuyên tâm vào vấn đề nghiên cứu. NCKH là một công việc đặc biệt, nhà nghiên cứu cần được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt. Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân từng chia sẻ: Các nhà khoa học nhất là nhà khoa học đầu ngành cần được ưu đãi về điều kiện làm việc, chế độ lương, phụ cấp xứng đáng; Được quyền đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và chủ trì các nhóm nghiên cứu, được tự chủ một số kinh phí nhất định hàng năm cho hoạt động khoa học của mình. Có như vậy mới khuyến khích được người làm NCKH.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các trường đại học
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy hoạt động NCKH tại các trường đại học ở Việt Nam, thời gian tới cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Một là, tăng kinh phí NCKH. Mặc dù kinh phí dành cho NCKH ở nước ta so với một số nước trong khu vực hiện nay không phải là quá thấp nhưng việc phân bổ chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả và là tác nhân làm cho kinh phí NCKH tăng lên. Vì vậy, các cơ quan liên quan, các trường đại học cần quan tâm đến vấn đề này để phân bổ, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Hai là, có chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích các nhà nghiên cứu. Cụ thể như: Ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ NCKH. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ NCKH dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong NCKH và cải tiến kỹ thuật. Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động.
Ba là, thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ KHCN, tổ chức theo chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu từng giai đoạn, tránh dàn trải, quy hoạch phát triển tiềm lực KHCN gắn với các ngành đào tạo, hướng tới nghiên cứu sản phẩm khoa học chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn với doanh nghiệp hướng tới tự chủ đại học dựa vào.
Bốn là, thay đổi chính sách hoạt động KHCN cho các nhà khoa học trong các trường đại học, theo đó các nhà khoa học có thể huy động vốn, sử dụng nguồn lực trang thiết bị đầu tư cho phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm bằng cách hình thành các doanh nghiệp trong các trường đại học. Thay đổi mô hình tổ chức các tổ chức KHCN trong các trường đại học, hướng tới phát triển sản phẩm gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Năm là, các trường cần đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động KHCN và đào tạo của nhà trường hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra các dự án, đề án, đề tài NCKH; Hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 17/01/2004/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ;
- Phạm Thị Lan Anh (2013), Khắc phục những vướng mắc trong chế độ tài chính đối với NCKH trong các trường đại học ở Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp Học viện Tài chính, Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý khoa học và công nghệ;
- Nguyễn Trần Bạt (2005), Cải cách và sự phát triển, NXB Hội Nhà văn;
- Ðào Văn Khanh, Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuân (2012), Ðầu tư NCKH.