Thay đổi để thích nghi

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh giá dầu không ngừng giảm, Ảrập Xêút buộc phải có các biện pháp mạnh tay để khoanh vùng thâm thủng ngân sách, sẵn sàng “chung sống với lũ” trong kỷ nguyên giá dầu rẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chuyển đổi kinh tế

Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Tawfiq al-Rabiah đánh giá, Ảrập Xêút cũng là nạn nhân của “căn bệnh Hà Lan”, với lĩnh vực dầu mỏ chi phối các ngành kinh tế khác. Bây giờ là lúc Ảrập Xêút phải hành động để sửa đổi mô hình này. Chính quyền của Quốc vương Salman đã vạch kế hoạch tham vọng nhằm chuyển hướng sang phát triển nhiều ngành công nghiệp khác, từ công nghệ thông tin đến y tế và du lịch, đồng thời thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rằng nước này có thể trụ vững.

Tăng trưởng và tạo việc làm sẽ được chuyển sang khu vực tư nhân, với sự trợ giúp của nhà nước đối với các ngành công nghiệp tư nhân trong giai đoạn ban đầu. Các quan chức cho biết, theo kế hoạch cải cách này, các cơ sở thuộc hệ thống chăm sóc y tế quốc gia sẽ được chuyển đổi thành các công ty thương mại độc lập.

Giá dầu thấp gây sức ép tới đồng nội tệ của Ảrập Xêút và đặt gánh nặng lên Riyadh với mức thâm hụt ngân sách hàng năm lên tới gần 100 tỷ USD. Đây được coi là thách thức kinh tế lớn nhất đối với Ảrập Xêút trong hơn một thập kỷ qua. Các quan chức cấp cao cho biết, nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và các việc làm trong khu vực công.

Chủ tịch Tập đoàn dầu quốc gia Aramco của Ảrập Xêút Khalid al-Falih cho hay, Tập đoàn sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động từ tăng trưởng đơn thuần về số lượng, dựa trên hàng hóa xuất khẩu, sang tăng trưởng chất lượng, được phân bố đều trên toàn nền kinh tế. Ông Falih nói thêm, ngoài việc sử dụng ngân sách để khuyến khích các ngành công nghiệp như đóng tàu, tập đoàn Aramco sẽ tổ chức các chương trình đào tạo giáo dục và dạy nghề, nhằm giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần thiết cho việc chuyển đổi.

Các kế hoạch được công bố tại hội nghị do Cơ quan Xúc tiến đầu tư Ảrập Xêút tổ chức, với sự tham dự của hơn 2.400 người, bao gồm các quan chức trong và ngoài nước, các doanh nhân, cố vấn và học giả. Những người tham gia hội nghị, trong đó có các Giám đốc điều hành của Tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ Lockheed Martin và Pepsico, đã thảo luận nhiều chủ đề từ làm thế nào để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp đến phát triển các thành phố năng động và tăng cường vai trò của phụ nữ Ảrập Xêút trong giới kinh doanh. Sự hiện diện đông đảo của đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy các cơ hội sẽ mở ra trong chiến lược của Ảrập Xêút.

Tiếp sinh lực

Theo giới phân tích, những chuyển đổi về cơ cấu nền kinh tế của Ảrập Xêút là cần thiết, khi nguồn thu bị thâm hụt nghiêm trọng. Giá dầu đã có thời điểm giảm xuống dưới 28 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua do cung dư thừa, và đã mất 70% giá kể từ giữa năm 2014. Trong nhiều năm, 90% doanh thu của Ảrập Xêút, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhờ bán dầu với mức giá cao đã cho phép Chính phủ chi tiêu rộng rãi. Tuy nhiên, dầu rớt giá đã khiến tài chính công chao đảo, với mức thâm hụt ngân sách đạt kỷ lục chưa từng có là 98 tỷ USD trong năm 2015 và dự kiến lên đến 87 tỷ USD trong năm nay.

Doanh thu hằng năm đã giảm một nửa trong 19 tháng giá dầu đi xuống, và Ảrập Xêút buộc phải nghĩ tới nguồn dự trữ tài chính khổng lồ của mình. Khoản dự trữ này được tích lũy khi giá dầu cao đã giảm từ 732 tỷ USD vào cuối năm 2014 xuống còn 632 tỷ USD hồi tháng 11.2015. Trong khi đó, chi phí tiền lương và trợ cấp cao đi kèm với chi phí can thiệp quân sự của Ảrập Xêút vào Yemen, và việc trợ cấp tiếp tục cho nhiều nước Ảrập đã khiến ngân sách nước này quá tải.

Để đối phó với sự suy giảm mạnh doanh thu từ dầu mỏ, Quốc vương Salman trong năm đầu tiên lên nắm quyền đã thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt hệ thống phúc lợi hào phóng lâu nay và những cải cách kinh tế then chốt khác. Ngay sau khi lên ngôi, Quốc vương Salman đã cắt giảm hơn 30 tỷ USD tiền cấp cho các viên chức chính phủ, lực lượng vũ trang, sinh viên...

Cuối năm ngoái, Chính phủ đã đưa ra một biện pháp chưa có tiền lệ là tăng giá xăng dầu, điện và nước, tới 80% trong một số trường hợp. Hãng đầu tư Jadwa Investment của Ảrập Xêút ước tính, nước này sẽ tiết kiệm được 7 tỷ USD mỗi năm nhờ cắt giảm trợ cấp năng lượng. Động thái này đã được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hoan nghênh, trong đó, hãng Fitch gọi đây là “những cải cách quan trọng”.

Đặt trong bối cảnh chung, các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế Riyadh vừa công bố được coi là bước đi nhằm tiếp thêm sinh lực cho các nỗ lực trước đó. Nhà kinh tế Ảrập Xêút Ihsan Bu-Halaiga, giám đốc Trung tâm Tư vấn Joatha, nhận xét thách thức đã trở nên quá lớn và chính quyền cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông, quyết định quan trọng nhất là quyết tâm chuyển từ một chế độ phúc lợi sang một nền kinh tế sản xuất. Doanh thu phi dầu lửa đạt 44 tỷ USD tăng trong năm 2015, tăng 29%, trong khi đó doanh thu dầu lửa giảm 73%. Rõ ràng, việc áp dụng những chính sách dân túy trong những thập kỷ qua đã khiến cải cách kinh tế gặp khó khăn.

Giới chuyên gia nhận định, động lực chính trị mạnh mẽ dâng cao sau các kế hoạch cải cách này, mặc dù trong số đó nhiều biện pháp cải cách từng được thảo luận nhiều năm qua mà không có kết quả. Động lực cải cách tăng lên kể từ khi Vua Salman lên nắm quyền hồi tháng 1.2015 và thành lập Hội đồng Kinh tế và các vấn đề phát triển, dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Mohammed bin Salman. Chính phủ được cho là đã thuê hàng trăm cố vấn phương Tây để thực hiện kế hoạch này.