Thay đổi tư duy tiêu dùng
(Tài chính) Tại sao chúng ta phải dùng hàng nhập khi hàng hóa đó trong nước sản xuất được? Ai cũng hiểu, tiêu dùng hàng nội là giúp các doanh nghiệp nội phát triển, giúp nền kinh tế nước nhà phát triển, người Việt dùng hàng Việt là yêu nước, nhưng việc thể hiện đó như thế nào?
Thói quen của người tiêu dùng:
Thói quen tiêu dùng của người giàu: Nhìn sang các nước bạn trong khu vực, như Nhật bản, Hàn Quốc hay Thái Lan... chẳng hạn, người dân tiêu dùng hàng nội địa là chính. Đương nhiên hàng hóa của họ hiện đại, đạt chất lượng tiêu chuẩn, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân, người dân không việc gì phải dùng hàng ngoại có giá rẻ hơn mà chất lượng kém hơn. Nhưng vấn đề quan trọng lại nằm trong tư duy của người dân. Rất nhiều ông chủ giàu có ở Trung Quốc, Singgapore, Hàn Quốc… không thiếu gì tiền nhưng vẫn dùng ô tô nội, mặc quần áo sản xuất từ nội địa chứ không dùng hàng thương hiệu Âu, Mỹ đắt tiền. Họ nói rõ, nếu không dùng hàng trong nước thì làm sao ngành hàng sản xuất đó phát triển được. Trong khi, những người giàu của Việt Nam thì hầu hết đều chuộng hàng hiệu, hàng ngoại, thích khoe giàu… từ ô tô đến quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, kính, mũ rồi rượu bia… họ đều dùng hàng nhập ngoại mà không nghĩ đến cần phải tiêu dùng hàng nội để vực dậy nền sản xuất nước nhà. Các làng nghề truyền thống của các nước bạn đều sống và phát triển mạnh mẽ, hàng thủ công, mỹ nghệ “handmade” được người dân trân trọng và mua với giá cao. Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống với hàng ngàn hàng hóa đặc sắc, riêng có như đồ gốm sứ, dệt may, đồ gỗ, mây tre đan, điêu khắc, trạm trổ, thêu… rất nhiều du khách đến Việt Nam đều có nhu cầu mua về làm quà, làm kỷ niệm… Nhưng chính chúng ta lại chưa trân trọng những hàng hóa quý giá đó, chưa trân trọng công sức của người lao động trong nước, do vậy hàng sản xuất tại Việt Nam chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường. Thay bằng mua đồ gốm sứ trong nước sản xuất thì người có thu nhập cao lại muốn mua đồ gốm sứ Mỹ, Pháp, Nhật… Đồ đá, đồ đồng của Việt Nam mang bản sắc dân tộc rất đẹp và nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn mua đồ Trung Quốc, Singgapore, Đài Loan... để bày. Đặc biệt là đồ ăn, nhiều người chỉ mua đồ có xuất xứ ngoại từ hoa quả, thịt cá, sữa, phomai… tới đồ uống, cho dù hàng trong nước sản xuất có chất lượng không kém và giá cả rẻ hơn nhiều. Với nhiều người, tiêu dùng hàng hiệu là thể hiện đẳng cấp trong xã hội, do vậy, mua sắm hàng hiệu, hàng ngoại đắt tiền là phương thức chi tiêu của họ.
Thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân có thu nhập trung bình trở xuống: Do đại đa số người dân Việt có thu nhập còn ở mức thấp, kéo theo mức sống thấp, nhu cầu đòi hỏi không cao. Với tư duy tiêu dùng “một đời ta muôn vàn đời nó” nhiều người mua hàng chỉ cần giá rẻ, không cần sự lâu bền, dù chất lượng hàng có thể kém một chút nhưng chỉ cần mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn hẳn thì người tiêu dùng vẫn sẽ lựa chọn. Dạo qua thị trường, chợ truyền thống có thể thấy rõ nhất thói quen tiêu dùng của người dân. Người dân có thể mua hàng hóa không rõ xuất xứ, không rõ thời hạn bảo quản, bày bán vỉa hè, xe đẩy, quán hàng xập xệ không bảo đảm vệ sinh. Không chỉ đồ ăn, mặc mà ngay cả đồ trang trí gia đình, đồ chơi cho trẻ em cũng vậy, thị hiếu của người dân cũng còn thấp. Vào nhiều gia đình ta thấy bày biện, trang trí từ đồ gỗ, gốm sứ tới đồ tranh ảnh, may, thêu… đa số là hàng Trung Quốc (ngay như đồ thêu tay của Việt Nam được quốc tế công nhận về mỹ thuật và độ tinh xảo, nhưng nhiều người vẫn mua và chơi tranh thêu chữ thập của Trung Quốc vì giá rẻ hơn). Đồ chơi trẻ em lòe loẹt, không được kiểm duyệt chất lượng bày bán nhan nhản khắp nơi, lấn át hẳn đồ chơi sản xuất trong nước. Những ngày tết, ngày hội của dân tộc… người dân cũng không còn sử dụng nhiều đồ lễ truyền thống nữa.
Tuy nhiên, đối với hàng gia dụng hay các phương tiện sinh hoạt thông tin, giải trí… thì có thể áp dụng tư duy “một đời ta…” đó, nhưng nếu hàng hóa bán rẻ mà lại được “khuyến mại” thêm cả “độc tố”, nhất là hàng ăn, thì dù có rẻ đến mấy chắc chắn cũng không ai muốn mua. Nhưng để thay đổi tư duy của người tiêu dùng thì phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Làm gì để thay đổi tư duy tiêu dùng hàng ngoại:
Thực tế, không phải người Việt quay lưng với hàng Việt, chỉ một bộ phận nhỏ người Việt dùng hàng hiệu do có thu nhập cao và tâm lý sính ngoại. Phần lớn người dân đều muốn tiêu dùng hàng trong nước sản xuất. Nhưng vấn đề chất lượng và giá cả vẫn là vấn đề muôn thủa người dân quan tâm. Sau một thời gian dài thị trường trong nước bị bỏ ngỏ, bị hàng ngoại xâm nhập, chiếm lĩnh, 5 năm qua, với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay, tình thế đã có nhiều xoay chuyển. Hàng Việt đã có mặt ngày càng nhiều trong các chợ truyền thống cũng như các cửa hàng từ thành thị đến nông thôn (chiếm tới 80 – 90% tổng lượng hàng hóa cung cấp), đặc biệt là trong các siêu thị lớn, hàng Việt chiếm tới 90-95%, làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế và tác động đến thói quen tiêu sắm của người tiêu dùng Việt. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện nghiên cứu dư luận xã hội của Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 thì, có tới 92% người tiêu dùng trong cả nước quan tâm đến cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt (tăng 4% so với kết quả khảo sát tương tự hồi 2010), tới 63% số người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi mua hàng hoá, đặc biệt là hàng dệt may, da giầy, thực phẩm, rau quả.
Bước đầu thành công như vậy, nhưng hàng Việt vẫn đứng trước rất nhiều thách thức.
Trước hết, cần hay đổi tư duy người sản xuất: Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình công nghệ hiện đại để sản xuất hàng hóa. Đăng ký thương hiệu, bản quyền. Luôn luôn thay đổi mẫu mã để hàng hóa ngày càng đẹp hơn, tiện dụng hơn, đi đôi với tăng cường chất lượng sản phẩm. Cam kết đến cùng về chất lượng của từng sản phẩm mình đã sản xuất ra. Thực hiện trách nhiệm hậu mãi, chăm sóc khách hàng và tham khảo ý kiến người tiêu dùng để sản xuất ngày càng sát với nhu cầu, bán những gì người dân cần chứ không phải bán những gì mình có. Từ bỏ tư duy chụp giật, chỉ nhìn thấy lợi ích cục bộ, trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài của quốc gia, đại cục
Điều không thể thiếu là Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đồng thời thực thi nghiêm công tác kiểm định hàng hóa: Thông qua hướng dẫn phương pháp sản xuất và chế biến…, Nhà nước quy định chặt chẽ về những tác động ảnh hưởng đến môi trường như những quy định về bao bì, xử lý và thu gom sau quá trình sử dụng, yêu cầu về nhãn mác, lệ phí môi trường,... bằng hệ thống văn bản pháp luật, từ đó giám định, chứng nhận và chấp nhận hàng hóa bán ra thị trường. Hơn nữa, Nhà nước thực hiện hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các quy định về thuế, phí phù hợp giúp các ngành hàng sản xuất phát triển với mục đích bảo hộ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước, đồng thời đối phó được với các rào cản của các nước khác, đảm bảo hàng hóa bán trên thị trường đúng tiêu chuẩn, xuất xứ, đúng thời hạn sử dụng, giá cả kê khai minh bạch. Đây là khâu quan trọng đầu tiên trong chuỗi cung cấp hàng hóa ra thị trường, không những trong nước mà cả trên thị trường quốc tế.
Đổi mới và đẩy mạnh kênh phân phối, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường: không ngừng truyền bá cho cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”. Mở rộng liên kết, mở rộng mạng lưới thương mại bán buôn, bán lẻ, bằng các chiến lược quảng cáo, hội chợ, đưa hàng tới tận tay người tiêu dùng, thực hiện khâu hậu mãi, tháng giảm giá,… Tuyên truyền vận động (với nhiều hình thức đa dạng như thông qua quảng cáo bằng hình ảnh, hiện vật, thư viện và video...) để người dân thấy rõ lợi ích thực sự của tiêu dùng hàng nội, lợi ích gia đình và lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia trong sự phát triển bền vững, để hàng hóa "made in Vietnam" không chỉ chiếm lĩnh thị trường mà còn chiếm lĩnh được niềm tin, lòng tin của người dân.