Song hành hai “thẩm” cho nền kinh tế

PV.

Tổng kết nhiệm kỳ 13, Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước như chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tái cơ cấu kinh tế chậm, bội chi cao, nợ công tăng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, tháng 1/2014.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, tháng 1/2014.

Còn Chính phủ cũng thấy là năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời…

Là tai mắt của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương thẩm định, là tai mắt cho nhân dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra, hai “thẩm” song hành góp phần giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ chèo lái con thuyền đất nước không chệch hướng và vượt qua sóng cả.

Không chỉ phối hợp công tác cùng nhau, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn là nơi quy tụ, kêu gọi được đông đảo đội ngũ chuyên gia đầu ngành tập trung hiến kế, cũng như gắn kết được các bộ, ngành cùng “thẩm”, góp phần đưa ra định hướng đúng cho những chủ trương lớn của đất nước, từ đổi mới nền kinh tế, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn thách thức, cho tới đối phó với những thách thức đe dọa an ninh chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền, xây dựng đất nước.

Như vào thời điểm năm 2014, khi cả Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều có chung nhiệm vụ giám sát việc thực hiện tình hình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong một cuộc họp tại Ban Kinh tế, tham dự với vai trò là khách mời, cầm bản Báo cáo tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2014 của Ban Kinh tế TƯ trên tay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: “Báo cáo này đã chạm vào trong trái tim tôi”.

Bởi khi thực hiện công việc này, cái đích mà cả Ban Kinh tế và Ủy ban Kinh tế đều hướng tới, là làm thế nào để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cấu trúc lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng, cần hướng tới các mục tiêu dài hạn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người.

Như trăn trở của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, “đổi mới mô hình tăng trưởng phải để cho cho tất cả mọi người dân đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Để thực hiện thành công quá trình này, thì còn rất nhiều công việc phải làm cũng như nhiều khó khăn cần phải rất nỗ lực và quyết tâm thì mới có thể vượt qua để đưa nền kinh tế phát triển bền vững”.

Chia sẻ thêm tâm tư về triết lý thành quả tăng trưởng cho mọi người dân, ông Huệ nói, “có nhiều ý kiến chuyên gia nước ngoài nói với tôi là thôi để khi nào Việt Nam khá hẳn rồi hãy dành nhiều tiền như vậy cho an sinh. Nhưng Đảng và Nhà nước ta không làm như thế được, chúng ta phải đặt chính sách an sinh này trong từng bước phát triển của nền kinh tế của đất nước, chứ không đợi khi giàu rồi mới quay ra lo cho dân”.

Báo cáo tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Ban Kinh tế Trung ương thực hiện, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá là một sản phẩm “hết sức đáng quý”. Còn Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cùng nội dung, được Quốc hội đưa ra thảo luận sôi động trong nhiều Kỳ họp. Có sự “tiếp lửa” của hai bản Báo cáo, công cuộc này ngày càng đi vào thực chất, không bị biến thành phong trào để sớm thoái trào như dư luận từng lo ngại.

Nói về nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, các dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo, Nghị quyết do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đều bám sát yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo thể chế hóa tối đa, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Còn Ban Kinh tế Trung ương, dù đã có 65 tuổi đời nhưng mới chỉ trải qua 3 năm tái lập, song đã kịp thời “phủ sóng” và phân tích, thẩm định mọi diễn biến, hoạt động của nền kinh tế . 64 đề án đã được hoàn thành trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Đề án tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chính sách công nghiệp quốc gia, Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển các loại hình doanh nghiệp…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết thêm, hầu hết các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương đều đã được ghi nhận, nhiều Đề án đã được xem xét, lựa chọn để xây dựng chương trình công tác toàn khóa của Trung ương giai đoạn 2016- 2020.