Thế giới phản đối tham vọng quá đáng của Trung Quốc

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo dõi một cách khách quan báo chí quốc tế trong thời gian qua, ai cũng phải công nhận dư luận quốc tế đang đứng về phía Việt Nam, ai cũng thấy tham vọng của Trung Quốc là quá đáng.

Người biểu tình phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet
Người biểu tình phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định

Thượng nghị sỹ Antonio Razzi, Thư ký thường trực Ủy ban đối ngoại Thượng viện Italy, đã lên tiếng chất vấn Ngoại trưởng nước này, bà Federica Mogherini, xung quanh lập trường của Italy về những căng thẳng ở khu vực Biển Đông.

Trong cuộc chất vấn diễn ra trong một phiên họp của Thượng viện Italy trong tuần qua, Thượng nghị sỹ Antonio Razzi đã đưa ra những vấn đề liên quan đến tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông và thái độ của Italy.

Bằng những dẫn chứng và thông tin xác thực liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981, Thượng nghị sỹ Razzi khẳng định Trung Quốc đang tìm cách thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sử dụng các tàu hải quân và ngư chính để ngăn cản tàu Việt Nam đến gần, với mức độ gây hấn và đe dọa tăng dần có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Ông Razzi kết luận, những hành động của Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực, đe dọa chủ quyền của một nước và có thể dễ dàng chuyển thành một cuộc xung đột thực sự.

Từ những quan điểm đó, Thượng nghị sỹ Razzi đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Italy Federica Mogherini phải nhanh chóng đưa ra những định hướng mà Chính phủ Italy dự định tuyên bố liên quan đến cuộc xung đột trên Biển Đông. Ông cũng yêu cầu Chính phủ Italy phải có những biện pháp ngoại giao tích cực để thể hiện sự hiện diện của Italy trong các vấn đề quốc tế nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng nhằm khôi phục lại những nguyên tắc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia liên quan tới chủ quyền lãnh thổ của mình. Ông nêu rõ từ trước tới nay, Italy luôn đóng vai trò đi đầu trong những cam kết nhằm gìn giữ hòa bình và tăng cường hòa giải trên thế giới. Do đó, Italy cũng phải thể hiện điều đó trong vấn đề Biển Đông.

Trước đó, trong một tuyên bố trên trang web cá nhân của mình (hôm 13/5), ông Razzi viết rằng, những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gây ra mối quan ngại cho sự hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Ngoài Thượng nghị sỹ Razzi, Hạ nghị sỹ Enzo Amendola, lãnh tụ phe đa số thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, cũng đã lên tiếng về tình hình Biển Đông. Ông cũng hối thúc Italy và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại Biển Đông, khi những căng thẳng đang xảy ra có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cam kết nước này sẽ nỗ lực tham gia tìm biện pháp nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị về Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), diễn ra tại Jakarta, ông Natalegawa cho biết ông đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về vấn đề Biển Đông. Ông kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để ngăn chặn tình hình leo thang và ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.

Trên trang mạng chính thức của Nhà Trắng xuất hiện một bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Obama trừng phạt Trung Quốc về việc nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bản kiến nghị được một nickname là T.D đến từ San Diego, California đưa lên trang web chính thức whitehouse.gov của Nhà Trắng ngày 13/5 đang thu hút sự quan tâm và chú ý. Bản kiến nghị viết: “Mối quan hệ đối tác hữu nghị và hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam đang ở trên một lộ trình tốt đẹp. Chúng tôi, cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới kêu gọi Nhà Trắng xem xét các biện pháp trừng phạt thích đáng đối với Trung Quốc bởi các hành vi ngang nhiên, bất chấp những luật lệ hiện hành đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng như các ranh giới lãnh thổ quốc gia khi nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, phá hủy môi trường sinh thái tại vùng lãnh hải của Việt Nam”. Tiếp đó, bản kiến nghị nhấn mạnh: “Chỉ lên án và đấu tranh bằng từ ngữ là không đủ. Chúng tôi kêu gọi Nhà Trắng xem xét các biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế đối với Trung Quốc. Vì đây là phương pháp hiệu quả nhất”.

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều nước trong vấn đề liên quan đến biển

Tiến sỹ Tomotaka Shoji, Trưởng Phòng Nghiên cứu Á-Phi, Ban Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhận xét: “Nhìn bối cảnh tổng thể, có thể thấy trong những năm vừa qua Trung Quốc đang không ngừng thực hiện chiến lược tiến ra đại dương ở cả Biển Đông và các vùng biển khác với những hoạt động ngày càng thường xuyên của hải quân Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi cản trở ngư dân Việt Nam tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Trong cái mạch đó, tôi nghĩ rằng hành động lần này của Trung Quốc là nhằm cụ thể hóa động thái củng cố ảnh hưởng của mình tại Biển Đông với quần đào Hoàng Sa làm trung tâm.

Điều làm tôi bất ngờ đó là trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông trong thời gian gần đây lại đang khá yên ả, Trung Quốc đột nhiên lại tiến hành động thái đó và tôi hết sức lo ngại đối với những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trong nửa đầu thập niên những năm 2000, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN rất tốt. Với sự tiếp cận tích cực từ phía Trung Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển rất tích cực và hữu nghị với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy nhiên, căng thẳng lên cao tại Biển Đông rõ ràng đã tạo ra “điểm âm” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

ASEAN đã ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông cho thấy lần này ASEAN đã đưa ra được quan điểm tương đối thống nhất về vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng, lần này ASEAN đã đạt đến sự thống nhất tương đối ở mức tối đa. Tuy nhiên, sẽ khó có thể nói về sự thống nhất đó của ASEAN sẽ có tác động thế nào đến Trung Quốc. Nếu nói một cách thẳng thắn, có lẽ khó có một đối sách nào có thể khiến Trung Quốc thay đổi ngay lập tức. Nhưng dù sao vẫn phải làm điều gì đó, đây là nhận thức chung của các nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biển.

Mặc dù chỉ mang tác động gián tiếp nhưng một trong những đối sách là ASEAN phát huy tối đa hiệu quả các hội nghị liên quan của mình. Tại đó, kiên trì truyền đạt cho phía Trung Quốc quan điểm chung của cộng đồng quốc tế rằng không được thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đối với các vấn đề liên quan đến trật tự thế giới, trước hết là vấn đề trên biển.

Để làm được điều đó, trước hết các nước ASEAN cần có sự thống nhất. Tiếp đó là nhận được sự hợp tác của các nước đối tác như Nhật Bản để thể hiện sự đồng thuận về việc duy trì hiện trạng. Một vấn đề mang tính hiện thực khác là duy trì sự can dự của Mỹ tại khu vực. Chúng ta cần tích cực thúc giục Mỹ tiếp tục sự can dự tại khu vực.

Hiện Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp như trao đổi với phía Trung Quốc, trao đổi trong ASEAN, dùng tàu Cảnh sát biển đối đầu với Trung Quốc tại thực địa. Nhưng tôi đang chú ý đến khả năng Việt Nam có học tập Philippines đưa vụ việc ra LHQ hay cơ quan trọng tài liên quan theo luật pháp quốc tế hay không. Nhưng đây quả là một lựa chọn vô cùng khó khăn đối với Việt Nam. Quả thực, người Việt Nam quả là một dân tộc hết sức kiên cường, kiên trì. Với ý nghĩa đó, người Việt Nam rất kiên cường khi bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình. Do đó, tôi cho rằng tình trạng tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Trung Quốc đối đầu nhau tại Biển Đông, đặc biệt tại Hoàng Sa sẽ còn tiếp tục kéo dài. Vì vậy, chiến lược của Việt Nam ở đây theo tôi sẽ là tiếp tục kiên trì thể hiện thái độ không chấp nhận chuyện đó và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục, bao gồm cả sự thay đổi ở Trung Quốc. Nếu nhìn lịch sử hiện đại của Việt Nam, có lẽ đây sẽ là chiến lược mà Chính phủ Việt Nam sử dụng.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án về yêu sách vô lý của đường chín đoạn. Xét trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, tôi thấy Manila đã làm một việc hết sức quan trọng. Tương tự như vậy, tôi nghĩ nếu Việt Nam tiến hành một vụ kiện đối với Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn. Tuy vậy, cũng cần phải cân nhắc thận trọng về những phản ứng có thể có từ phía Trung Quốc khi quyết định kiện ra tòa án quốc tế. Trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao tại Biển Đông như hiện nay, việc Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không theo tôi sẽ là một quyết định thực sự khó khăn".

Tiến sỹ Tomotaka Shoji cũng cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển trở thành một vấn đề lớn đối với các nước như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trên phương diện an ninh. Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những diễn biến hiện nay ở Biển Đông và Nhật Bản luôn duy trì lập trường không chấp nhận việc quốc gia khác sử dụng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng. "Với ý nghĩa như vậy, tôi nghĩ rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không chỉ phối hợp với các nước có chung vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc mà còn nỗ lực đóng vai trò tìm kiếm sự đồng thuận của quốc tế về vấn đề này”, ôngTomotaka Shoji cho biết.

Về ý kiến cho rằng Việt Nam nên đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, giống như Philippines đã làm. Là một chuyên gia về Luật biển quốc tế, Giáo sư Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui (Hàn Quốc) nhận định: “Đã có trường hợp các bên liên quan đưa vấn đề chủ quyền lãnh thổ ra tòa án quốc tế, nhưng số này ít. Đặc biệt, trong trường hợp vấn đề đó không chỉ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà còn liên quan đến nguồn tài nguyên năng lượng to lớn nên không dễ gì các bên liên quan giao lợi ích quốc gia to lớn của mình cho bên thứ ba phán xét.Việc giải quyết vấn đề thông qua sự can thiệp của bên thứ ba chỉ nên coi là giải pháp cuối cùng.

Bên cạnh đó, khi đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền lên Tòa án Tư pháp quốc tế hoặc Tòa án Biển quốc tế thì điều này cũng đồng nghĩa với việc công nhận tranh chấp đó là tranh chấp song phương. Ở đây là, vấn đề phát sinh ở Biển Đông của Việt Nam cũng là vấn đề chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Theo đó, cần đặt mục tiêu xây dựng cơ chế liên kết vấn đề trên biển của khu vực Đông Á (Đông Nam Á và Đông Bắc Á) trên cơ sở UNCLOS. Các vùng biển ở khu vực Đông Á, bao gồm cả Biển Đông, cơ bản đều có nhiều vùng chồng lấn ở khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển.

Do vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các quốc gia ven biển nên việc xác lập đường ranh giới trên biển ở khu vực này là rất khó khăn.

Ở Biển Đông, cùng với vấn đề chủ quyền, ở khu vực chồng lấn còn có lợi ích tài nguyên to lớn nên vấn đề này càng khó hơn. Theo đó, về lâu dài, các nước trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, tiến hành hợp tác khai thác chung và theo phương hướng cùng chia sẻ lợi ích sẽ là điều hợp lý”.

Giáo sư Kim Tae-wan cho rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông sẽ không tiếp tục kéo dài lâu vì càng để kéo dài lâu, Trung Quốc càng bị gánh nặng.

Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần xử lý một cách bình tĩnh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế để Trung Quốc thấy rõ việc kéo dài hóa căng thẳng như hiện nay tuyệt đối không có lợi cho Trung Quốc, đồng thời Việt Nam có thể thông qua các kênh chính thức và không chính thức để trao đổi, giao thiệp với nhà cầm quyền Trung Quốc.