Thế giới việc làm đang chia rẽ sâu sắc hơn
(Tài chính) Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,9% trong tháng 9 làm hứng khởi thị trường chứng khoán và niềm tin vào phục hồi kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, đang có một cuộc đổi thay lớn trong cơ cấu thu nhập và việc làm không chỉ ở Mỹ, mà toàn thế giới.
Việc làm tăng, nhưng không phải từ sản xuất
Sau gần 20 năm thuê ngoài, cuộc phục hưng sản xuất ở Mỹ thời gian qua có phải là nguồn tăng việc làm nhiều nhất như truyền thông vẫn tin và thuyết phục lâu nay?
Tờ Businessweek nghi ngờ điều đó. Tờ báo dẫn chứng, quả thực Mỹ đã tăng 600.000 việc làm trong ngành sản xuất kể từ mùa xuân năm 2010, nhưng nhìn lại thì toàn bộ việc làm trong ngành này đã mất đi trong suốt cuộc khủng hoảng là 1,9 triệu.
Các nhà máy ở Mỹ vẫn cạnh tranh được với việc sản xuất ở nước ngoài, sản phẩm vẫn tiếp tục quay lại Mỹ và đóng góp vào GDP. Nhưng đứng từ góc độ tạo việc làm, rõ ràng sự tăng trưởng và đầu ra mới là từ vốn tư bản chứ không phải từ lao động, chính xác hơn là từ robot. Như vậy, ngành công nghiệp sản xuất đã tăng trưởng không phải với ít nguồn lực hơn, mà với ít người hơn.
Tháng 9, các nhà máy tạo thêm 4.000 việc làm. Vào cuối tháng 9, có gần 12 triệu người làm việc trong ngành sản xuất. Nghe thì nhiều, nhưng tính ra chỉ chiếm 8,7% tổng số nhân lực được tuyển dụng. Mà 15 năm trước tỷ lệ này là 13%. Việc làm có tăng, nhưng không phải trong sản xuất mà từ các lĩnh vực khác.
Câu chuyện này không chỉ riêng cho ngành sản xuất. Kinh tế tăng trưởng không còn bảo đảm việc làm sẽ tăng. Các công ty đạt nhiều lợi nhuận hơn, nhưng làm lợi cho cổ đông và nhà đầu tư hơn là công nhân.
Lao động phổ thông tăng, nhưng thu nhập eo hẹp hơn
Theo hãng tin Bloomberg, ngành dịch vụ nhà hàng và siêu thị đóng góp nhiều nhất cho mức tăng tỷ lệ việc làm tháng rồi. Các điểm dịch vụ ăn uống tăng thêm 20.400 việc làm, các cửa hàng bán thực phẩm góp 19.500 việc làm mới, trong tổng số 248.000 việc làm tăng thêm của tháng 9 trên toàn nước Mỹ, theo Văn phòng thống kê việc làm. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn nữa, sẽ thấy mức lương thực tế trong ngành này thấp hơn trước, và ít việc làm toàn thời gian hơn.
Tờ USA Today nhìn nhận thị trường việc làm đang chuyển biến theo hướng có lợi cho người dân Mỹ, bao gồm cả những người có học vấn thấp. Tờ báo phân tích, thất nghiệp trong nhóm tốt nghiệp phổ thông giảm từ 6,2% xuống 5,3%; và từ 9,1% xuống 8,4% cho nhóm chưa tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, tờ báo cũng thừa nhận nhóm có học vấn thấp được tuyển vào nhiều hiện nay là nhóm trầy trật nhất trong những năm qua, cũng là nhóm có mức lương thấp nhất, gồm phục vụ nhà hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe... Theo Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics, đây là những công việc mà các năm khủng hoảng nhiều người có bằng cấp hơn đã được nhận vào làm. Nay tỷ lệ thất nghiệp đã gần mức bình thường 5,5%, các nhà tuyển dụng không có quyền kén chọn nhiều nữa.
Hiện nay, 66% việc làm ở Mỹ chỉ cần tốt nghiệp phổ thông hoặc thậm chí thấp hơn, và dự báo nhu cầu việc làm cho nhóm này sẽ tăng, chừng 7,9% nhóm tốt nghiệp phổ thông và 10,9% chưa tốt nghiệp phổ thông trong giai đoạn từ năm 2012-2022. Trong khi đó, nhu cầu công việc cần tốt nghiệp đại học trong khoảng thời gian này tăng 12,1% và nhu cầu cho nhóm trình độ thạc sĩ tăng nhanh nhất, 18,4%, theo ước tính của Bộ Lao động.
Thế giới việc làm đang chia rẽ sâu sắc hơn
Tờ The Economist nhận định, những thay đổi trong cơ cấu việc làm và nguồn lợi nhuận hiện nay không nằm ngoài một chuyển động lớn hơn trên thị trường việc làm toàn cầu ở cả các nước giàu lẫn nước nghèo, đó là tác động của cách mạng công nghệ kỹ thuật số.
Các báo cáo đặc biệt đều nhận định, điều trước hết việc làm giàu không cần dựa vào nhiều lao động. Và ngoại trừ số ít người trong giới tinh hoa, làm việc nhiều không bảo đảm tăng thu nhập nữa, do máy tính đã làm bớt việc của người lao động và cũng lấy bớt thu nhập của họ.
Nhóm đã bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nhân kỹ năng thấp và trung bình ở các nước giàu. Trong khi thu nhập của nhóm giáo dục cao - những người có kỹ năng máy tính, tăng lên, thì thu nhập của nhóm kỹ năng thấp bị xén bớt. Tại hơn một nửa các nước OECD mức lương trung vị thực tế đã không hề nhúc nhích kể từ năm 2000. Các nước có số lượng việc làm tăng nhanh như Đức hay Anh, lại là những nơi lương bị siết lại nhiều nhất.
Trong những năm tới, sự chia rẽ sẽ xảy ra với nhiều nhóm người hơn, vì ba lý do. Thứ nhất, sự gia tăng máy móc thông minh sẽ khiến nhiều công nhân có nguy cơ mất việc. Hiệu ứng sẽ ảnh hưởng đến cả những người ở mức kỹ năng cao hơn, như kiểm toán, kỹ thuật viên siêu âm, nghiên cứu viên... các dạng công việc mà máy tính có thể cạnh tranh. Kỹ thuật sẽ giúp bác sĩ hay giáo sư làm việc năng suất hơn, trong khi những người khác trở nên thừa thãi.
Thứ hai, nhờ kỹ thuật số các doanh nghiệp có thể biến ý tưởng thành các thương hiệu đem lại giá trị lợi nhuận khổng lồ chỉ với ít nhân công. Facebook đầu năm nay mua lại Oculus VR, một hãng sản xuất mắt kính đặc biệt chỉ có 75 nhân viên, với giá 2 tỉ đô la. Các công ty công nghệ khổng lồ của thế kỷ như Google và Facebook cũng có ít hơn 50.000 nhân viên.
Thứ ba, sự dịch chuyển cũng diễn ra khá rõ ở các nền kinh tế mới nổi. Foxconn, từ lâu là biểu tượng kinh tế công xưởng của Trung Quốc, từng tuyển 1,5 triệu công nhân sản xuất hàng điện tử cho thị trường phương Tây. Nay, do giá nhân công tăng và giá sản xuất tự động giảm, Foxconn đang dần thay thế công nhân bằng robot. Tương lai của Trung Quốc sẽ giống như Alibaba hơn là dây chuyền sản xuất: công ty thương mại điện tử vừa làm bùng nổ thị trường chứng khoán New York này chỉ có 20.000 nhân viên.
Cuộc chuyển giao kỹ thuật số dường như cũng đang ngấm ngầm can thiệp vào tiến trình phát triển theo lối cũ của các nước nghèo. Con đường từ xóa mù chữ để thoát ly đồng ruộng vào nhà máy khó khăn hơn nhiều. Ở Ấn Độ, theo chân Trung Quốc, lẽ ra cần nhiều các kỹ sư và người quản lý có kỹ năng để xây dựng các nhà máy và tuyển dụng hàng triệu công nhân sản xuất. Nhưng nay nhóm tinh hoa nước này đang kiếm lương cao từ dịch vụ công nghệ thông tin cho các nước giàu. Các mạng kỹ thuật số đã khiến cách mạng công nghiệp không còn kinh tế nữa.
Xóa khoảng cách thế nào?
Dĩ nhiên, cách mạng kỹ thuật số làm cuộc sống hàng tỉ người tốt hơn theo nhiều cách. Tuy nhiên, sự cách biệt ngày càng lớn giữa nhóm tinh hoa có kỹ năng và những công nhân bình thường là đáng lo ngại. Sự cách biệt đang gây giận dữ và cả bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới.
Câu trả lời không nằm ở các quy định hay thể chế. Nếu tăng lương tối thiểu, sẽ càng làm cho quá trình thay thế công nhân bằng máy móc diễn ra nhanh hơn. Nếu áp đặt thêm thuế, sẽ chỉ càng làm nhụt chí doanh nghiệp và không khuyến khích được kỹ năng và tài năng mà thời đại kỹ thuật số luôn cần đến. Điều tốt nhất mà cách chính quyền cần làm là gia tăng năng suất và tạo cơ hội việc làm cho nhóm ít kỹ năng.
Nghĩa là bỏ bớt những quy định không khuyến khích tuyển dụng, chính sách nhà ở hay đầu tư nhiều hơn vào giao thông, giúp nhiều người có thể đến làm việc ở các thành phố năng suất cao như Mumbai hay London.
Và phải tăng cường giáo dục. Trong tương lai, giáo dục không phải chỉ dành cho lớp trẻ, người lớn cũng cần học suốt cuộc đời để bắt kịp với thay đổi của kỹ thuật.
Tại Mỹ, nước đã làm nên sức mạnh nền kinh tế của mình nhờ thặng dư từ sáng tạo và giáo dục, đang có nhiều chiến dịch khuyến khích càng nhiều trẻ con và học sinh tiếp xúc với kỹ thuật, máy tính, lập trình càng sớm càng tốt. Dù vẫn đang gây nhiều tranh cãi, hệ tiêu chuẩn giáo dục cải cách (Common Core) vừa được đưa vào áp dụng từ năm học 2014-2015, với mục đích đào tạo một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, các kỹ năng nhận thức và phân tích, diễn đạt... hơn là chỉ giải được toán theo công thức. Nghĩa là tập trung vào những kỹ năng khác hẳn những công việc mà máy móc có thể làm được.
Vào thế kỷ 19, phải mất gần 100 năm các chính quyền mới đầu tư vào giáo dục để công nhân có thể hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp. Với cách mạng kỹ thuật số, cũng cần một chuyển động mạnh như thế, nhưng phải nhanh hơn rất nhiều.