Thêm một tín hiệu tốt để cứu thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung nội dung ưu đãi trong Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà ở. Cụ thể, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho những căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu giải pháp này được thực hiện, có thể là một tín hiệu tốt để phá băng thị trường bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng; áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất (10%) đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội.
Đánh giá về giải pháp này của Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hồng Châu cho rằng, việc kiến nghị giảm thuế là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ các bộ, ngành đã thật sự bắt tay vào cuộc để cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, song song với các đề xuất này phải có các giải pháp tài chính thông qua hỗ trợ lãi suất cho người mua. Nếu có chính sách hỗ trợ tín dụng tốt, bảo đảm tiến độ và có mức giá hợp lý thì sẽ tạo thanh khoản cho dự án bất động sản.
Cụ thể, người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm cho 3 năm 2013, 2014, 2015. Nhà nước cần dành khoảng 8.000 tỷ đồng bù lãi suất từ 3%/năm - 5%/năm. Theo giải pháp này, ngân sách sẽ giúp thu hút số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 120.000 căn hộ chung cư. Nếu chương trình kích cầu được thực hiện sẽ giải phóng hàng tồn kho và giải phóng năng lực sản xuất, Nhà nước sẽ thu được nhiều khoản thuế gia tăng lớn hơn nhiều so với số vốn ban đầu bỏ ra.
Ngoài ra, VAFI đề nghị hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 1%/năm và sau đó là 0%/năm. Đồng thời, áp dụng thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động mua bán vàng miếng và vàng trang sức ở mức 10% trên giá mua. VAFI khẳng định, áp dụng hai giải pháp này sẽ kết thúc quá trình vàng hóa, đô la hóa; góp phần ổn định tỷ giá và hỗ trợ cho việc giảm lãi suất VNĐ xuống mức thấp nhất có thể. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng phá băng thị trường bất động sản mà còn giúp cho tiến trình xử lý nợ xấu và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, xử lý hàng tồn kho bất động sản là giải pháp tổng thể, trong đó các chủ đầu tư, các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, thay vì bán cái mình có thì bán cái thị trường cần. Nắm bắt được nhu cầu thực của thị trưòng sẽ giúp các doanh nghiệp có chính sách tái cơ cấu dòng sản phẩm và điều chỉnh chiến lược kinh doanh hợp lý. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần kích cầu thị trường này bằng cách tạo lập nhiều kênh lãi suất ưu đãi. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tái cấu thị trường bất động sản, hoàn thiện khung pháp luật đất đai, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng...