Thị trường bán lẻ năm 2019: Không còn “một mình một chợ”?
Năm 2018, thị trường bán lẻ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu hơn 142 tỷ USD (tăng 12,4% so với năm trước). Mặc dù các chuyên gia dự báo, thị trường này có nhiều dư địa phát triển, song sẽ không còn cảnh “một mình một chợ” khi có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp và bán hàng qua mạng (online).
Thiếu bền vững
Theo Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 của cả nước ước đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 142,8 tỷ USD), chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao, khi năm 2016 mức doanh thu này đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 10,2%; năm 2017 đạt 129,56 tỷ USD, tăng 10,9%. Như vậy, thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định, là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ.
Thực tế, thị trường đã có sự góp mặt của nhiều tên tuổi bán lẻ lớn trên thế giới. Hiện, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini, 70% cửa hàng tiện lợi. Song, thời gian gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước, tạo ra cuộc cạnh tranh thực sự sôi động cho thị trường này.
Thừa nhận thị trường hàng hóa ngày càng phong phú với nguồn cung dồi dào; hình thức mua đa dạng với mua trực tiếp, mua tại chợ, cửa hàng tiện lợi, mua online... song nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết triệt để. Đó là tình trạng nhập nhèm về chất lượng khi hàng giả, hàng nhái, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn lẫn lộn, thậm chí trà trộn trong các chương trình khuyến mại khiến người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. Những vụ khiếu nại vẫn thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thị trường bán lẻ còn có hệ thống chợ, cửa hàng lẻ hiện chiếm tới 75% thị phần. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của kênh này thời gian gần đây đã chậm lại. Nguyên nhân một phần do sự thiếu quan tâm đầu tư cho kênh này. “Ở Hà Nội, cả một năm không có đồng tiền nào để cải tạo chợ.
Nhiều chợ ở ngay trung tâm thành phố hạ tầng thấp kém, an toàn phòng chống cháy nổ không bảo đảm. Khi cải tạo, một số chợ như Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam lại không hiệu quả: Tầng trên là của các “đại gia”, tầng hầm vẫn còn nhiều thiếu thốn dành cho bà con, kinh phí phân bổ từng đầu sạp sau cải tạo từ hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng khiến bà con không chịu nổi đã bỏ chợ, bán ki ốt, bán sạp”, ông Phú chia sẻ.
Đại diện Bộ Công thương thừa nhận, dù cung cầu hàng hóa được bảo đảm nhưng còn thiếu tính bền vững. Lý do là thiếu liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển đến người tiêu dùng; nhất là đối với hàng nông sản. Điều này khiến thị trường rất dễ bị biến động cục bộ do tác động của tâm lý người tiêu dùng.
Cảnh giác với hiện tượng báo lỗ
Nhìn nhận về cơ hội phát triển của thị trường bán lẻ trong năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng dư địa phát triển vẫn rất lớn. Bởi lẽ, thị trường được cho là mới ở giai đoạn khởi đầu. Điều này đồng nghĩa, cơ hội vẫn còn nhiều cho người đến sau biết ứng dụng công nghệ, tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng. Thêm nữa, kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng cũng sẽ là những yếu tố giúp ngành này phát triển.
Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội phát triển, chuyên gia cho rằng, cần hết sức cảnh giác với các hiện tượng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế như đã từng xảy ra với Metro Việt Nam. Muốn vậy, cần kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ, để tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh.
Thêm vào đó, trong thị trường bán lẻ, ngoài bán lẻ trực tiếp đang có sự xâm nhập và phát triển mạnh mẽ của các hệ thống bán lẻ qua mạng như Lazada, Amazon, Alibaba, Tiki, Sendo… Mặc dù thị phần bán hàng qua mạng mới chiếm 5% doanh số bán lẻ trong năm 2018 nhưng triển vọng phát triển rất lớn. Điều này đặt ra cảnh báo cho các nhà bán lẻ trực tiếp không thể “một mình một chợ” trên thị trường, mà phải chuyển đổi mạnh mẽ từ phong cách phục vụ, chất lượng hàng hóa, giá cả, tốc độ thanh toán… để cạnh tranh, hoặc có thể chuyển sang bán hàng đa kênh cả trực tiếp và online.
Về tổ chức nguồn hàng cho hệ thống siêu thị và các chợ, hiện các tỉnh mới chỉ đảm nhiệm từ 40 - 60% lượng hàng tại chỗ, còn lại phải phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa ở các tỉnh khác. Thực tế, nhiều cuộc liên kết, xúc tiến thương mại đã được tổ chức song hiệu quả chưa cao; thiếu chuỗi sản xuất phân phối được tổ chức chặt chẽ để đến tay người tiêu dùng, giảm rủi ro về giá và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Rõ ràng cần phải có một mô hình quản lý mới, đó là các chợ đầu mối được thiết lập hoạt động đa năng ở các thành phố lớn”, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nói. Theo ông, TP Hồ Chí Minh đã có 3 chợ đầu mối, Hà Nội có 3 - 4 chợ song tất cả chưa đạt tiêu chuẩn của chợ đầu mối hiện đại, văn minh bao gồm: Tập trung các đầu mối hàng hóa để lên sàn giao dịch tại chợ, bảo đảm kiểm soát được chất lượng và công khai minh bạch trong giao dịch mua bán trước khi lan tỏa ra tới các khâu bán lẻ trong các địa bàn thành phố… Chợ phải là một đầu mối hạch toán độc lập, hoạt động theo các quy định của pháp luật. “Đáng tiếc, chúng ta đã nhận thức được nhưng đề án mới chỉ nằm trên giấy”, ông nói.