Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển
Được hình thành từ năm 1993, đến nay thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, quy mô thị trường Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó, nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân ngày càng cao. Đây chính là cơ sở của nhiều nhận định rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Ghi nhận những bước phát triển đáng ghi nhận
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận khi có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm được thành lập; các sản phẩm bảo hiểm phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; doanh thu phí bảo hiểm có sự tăng trưởng khá.
Năm 2023, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế nói chung và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận.
Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 DNMGBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước; Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm gồm: Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ Quy định về bảo hiểm vi mô; Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ; giới, báo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ thúc đẩy sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
Đồng bộ giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm ổn định, bền vững
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước gắn với tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm. Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro nhằm giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm, bảo hiểm xanh, sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng...
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm. Trong đó, một trong những sự kiện nổi bật là từ ngày 05-08/12/2023, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49). Mục tiêu của Hội nghị là tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bảo hiểm, xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm; tổ chức các chương trình đào tạo về bảo hiểm…
Năm nay, với chủ đề "Bền vững, toàn diện và kết nối", Hội nghị AIRM26 và Hội nghị AIC49 tại Việt Nam được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN nói chung kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tăng cường tính bền vững, toàn diện và khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm mỗi nước thành viên và thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN. Qua đó, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước thành viên và trong toàn khu vực.
Nằm trong chuỗi các cuộc họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM), tiến trình hợp tác bảo hiểm ASEAN bao gồm các hoạt động, sự kiện liên quan của các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN và các doanh nghiệp bảo hiểm trong khối. Trong đó, Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC) là hai hoạt động trung tâm của hoạt động hợp tác bảo hiểm trong khu vực.