Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng diễn biến theo hướng tích cực
Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) du lịch đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư đã có tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Bởi BĐS du lịch sẽ trở thành “con gà đẻ trứng vàng” nếu biết cách thu hút và giữ chân khách du lịch.
Ngày 22/7, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Cơ hội mới của thị trường BĐS nghỉ dưỡng” với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cùng các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết từ năm 2011, Việt Nam có 6 triệu khách du lịch quốc tế, 30 triệu du lịch trong nước; năm 2019 đã tăng lên 18 triệu khách du lịch quốc tế và 80 triệu lượt khách du lịch trong nước. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng đối với du lịch.
Đến năm 2020, Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển du lịch. Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên có sự ngưng trệ nhưng từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa đối với khách du lịch… Mặc dù hiện tại khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều nhưng dự báo sắp tới, đặc biệt là thời điểm cuối năm, lượng khách du lịch sẽ bùng nổ.
Ông Lê Xuân Sơn cho rằng, tất cả những yếu tố trên điều tạo tiềm năng cho sự phát triển thị trường BĐS du lịch, BĐS nghỉ dưỡng, chưa kể thị trường này có gần 200.000 đơn vị gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… xuất hiện ngày càng nhiều.
“Mặt khác, thị trường BĐS nghỉ dưỡng được điều chỉnh bởi rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và Môi trường… Tuy nhiên, khu vực BĐS nghỉ dưỡng lại chưa được ghi nhận trong bất kỳ luật nào khiến cơ sở pháp lý không vững. Do đó, các Hiệp hội BĐS, các doanh nghiệp cũng đang tích cực có những kiến nghị nhất định để luật sớm đi vào đời sống", ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.
Khuyến khích phát triển BĐS nghỉ dưỡng
Trình bày tham luận của mình tại hội nghị, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sẽ góp phần giúp cho thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói riêng phát triển tích cực. Tuy nhiên, phân khúc thị trường này vẫn sẽ còn gặp nhiều hạn chế do một số cơ chế, chính sách của Nhà nước đang được thắt chặt, đặc biệt trong tháng 7/2022 này.
Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, tuy nhiên việc phát hành của doanh nghiệp BĐS vẫn chưa thật sự ổn định. Mặt khác, tín dụng BĐS công nghiệp rất thấp, dẫn đến nguồn vốn đầu tư vào BĐS chắc chắn gặp khó khăn trong năm 2022.
Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn 2022-2023, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố tác động như: du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa, thiếu nguồn vốn,… khiến các nhà đầu tư chùn tay và chỉ quan sát, tuy nhiên đây vẫn là thị trường dịch vụ đáng được khuyến khích phát triển.
“Mặc dù vậy, điểm sáng của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới vẫn kỳ vọng rất nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông đang được đầu tư như: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hoà - Vũng Tàu, Vành Đai 3...”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cũng cho rằng cơ hội của thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu tích cực trong phục hồi kinh tế, như: GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6.42%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu nhiều dấu hiệu tích cực; Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch; Ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt... Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030.
Bên cạnh đó, phải kế đến nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai. Như ở TP. Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận có nhiều dự án sắp hình thành như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành. Hoặc như ở Hà Nội và phụ cận có Dự án Metro số 3 (Hà Nội - Hoàng Mai), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4...
“Với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư có năng lực tài chính vững, nhiều thương hiệu quốc tế (trong đó có 54 thương hiệu cao cấp, 18 tập đoàn quốc tế) với 144 khách sạn/resort được vận hành, hay khách du lịch nội địa tăng mạnh đã góp phần tạo nên sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng”, ông Thắng nêu rõ.
Bên cạnh những mặt tích cực, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức mà thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như: Nền kinh tế đang nhiều khó khăn; kiểm soát tín dụng BĐS; Chính phủ tăng cường chấn chỉnh trái phiếu doanh nghiệp; Nhiều nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ; luật chưa quy định cụ thể của một số loại hình BĐS (condotel)...
“Nguồn cung trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến theo hướng tích cực, sức cầu chung dự kiến tăng nhẹ, giá bán sơ cấp tiếp tục tăng, bởi chính sách hỗ trợ linh hoạt từ chủ đầu tư, đặc biệt, những dự án tích hợp resort sẽ tiếp tục thu hút khách hàng, tập trung ở một số khu vực như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…”, ông Thắng dự báo.
BĐS nghỉ dưỡng “con gà đẻ trứng vàng”
Chia sẻ về thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 đang trên đà phục hồi tốt. Trên thị trường BĐS, lượng giao dịch BĐS tăng dần từ quý I sang quý II/2022; các sản phẩm BĐS có tính thanh khoản tốt, không có hàng tồn kho; đặc biệt dòng vốn đầu tư vào BĐS vẫn ổn định...
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, không có chuyện Ngân hàng Nhà nước dừng hay siết dòng vốn vào thị trường, mà chỉ có kiểm soát lại nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS để đảm bảo đúng đối tượng và an toàn.
Về nguồn vốn trái phiếu, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp BĐS trong quý II vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu để đầu tư. Mặt khác, nguồn vốn FDI dành cho BĐS đang tăng trưởng tốt là tín hiệu tốt trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thông tin việc nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thời gian qua vẫn đang băn khoăn về định danh, địa vị pháp lý, phương thức kinh doanh bởi một số vấn đề chưa thật sự rõ ràng gây băn khoăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu trong quá trình đầu tư, bởi những năm gần đây, cơ chế pháp lý đang được cải thiện.
“Tôi khẳng định đến thời điểm này, định danh, địa vị pháp lý, phương thức kinh doanh của BĐS nghỉ dưỡng đã rất rõ ràng. Các nhà đầu tư đã hiểu rất rõ về nhận thức pháp luật, đầu tư nên không còn băn khoăn nữa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, trình bày tại hội thảo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, mục tiêu hiện nay là tạo ra một thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững, đặc biệt Chính phủ mới đây đã xây dựng và phát triển hệ sinh thái BĐS đồng bộ với các thị trường khác.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Châu cho rằng, có ba bộ luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới đó là: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, cũng cần sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu giá, đấu thầu, Bộ luật Dân sự…
Đồng thời, nhấn mạnh về tầm quan trọng của BĐS du lịch, Chủ tịch HoREA cho rằng: “Hiện nay, thị trường BĐS du lịch đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư đã có tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Bởi, văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường BĐS du lịch và BĐS du lịch sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” nếu chúng ta biết cách thu hút và giữ chân khách du lịch”.