Thị trường chứng khoán - Kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ và doanh nghiệp
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2018” diễn ra ngày 22/01/2018 tại Hà Nội do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức.
Theo báo cáo của UBCKNN, trong năm 2017, sự chuyển động tích cực của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, cùng với những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan quản lý thị trường trong việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.
Kết thúc năm 2017, chỉ số VN Index tăng 48% và HNX Index tăng 46% so với cuối năm 2016 và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016, tương ứng với 70,2% GDP của năm 2017, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.
Trong những ngày đầu năm 2018, quy mô vốn hóa tiếp tục tăng thêm 10%, đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77,2% GDP. TTCK đã hoàn thành tốt các mục tiêu và kế hoạch đề ra, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu. Nhờ vậy năm 2017, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Á và là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.
Bước sang năm 2018, để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn, UBCKNN sẽ tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ chính, đó là: (i) Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; (ii) Tăng cường các giải pháp phát triển và tái cấu trúc TTCK như: tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu; nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá TTCK năm 2017 có bước phát triển tốt, với quy mô thị trường và khối lượng giao dịch tăng nhanh, chất lượng của các công ty niêm yết (CTNY) và công ty chứng khoán (CTCK) nhìn chung tốt hơn so với các năm trước đây. TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ và doanh nghiệp.
Năm qua, Chính phủ đã huy động vốn trên TTCK rất tốt, tạo điều kiện để cơ cấu lại nợ công, trước hết là nợ trong nước và huy động được nguồn lực để đảm bảo được kế hoạch tài chính - ngân sách. Đồng thời, trong năm 2017, các doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa (CPH), đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như thoái bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với giá trị thu về cho Nhà nước rất lớn so với những năm trước đây.
TTCK cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng và đảm bảo những yếu tố của cân đối vĩ mô, đặc biệt trong đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của UBCKNN cùng với hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã có nhiều giải pháp tích cực để triển khai phát triển thị trường, trong đó có việc khai mở và vận hành suôn sẻ, ổn định TTCK phái sinh kể từ tháng 8/2017.
Mặc dù năm 2017, TTCK đã có sự tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Chẳng hạn như Luật Chứng khoán ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2010 nhưng đến nay có nhiều nội dung cần phải được sửa đổi, hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mới được ban hành có nhiều nội dung “vênh nhau” với Luật Chứng khoán, gây khó khăn trong việc triển khai các chính sách cũng như thực thi các giải pháp phát triển TTCK.
Bên cạnh đó, mặc dù TTCK đã có những bước phát triển nhanh, mạnh nhưng vẫn chưa thực sự cân bằng giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, trong thị trường trái phiếu cũng chưa có sự phát triển cân bằng giữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường trái phiếu chính phủ. Đặc biệt, tính hệ thống, kết nối trong quản lý và quản trị xuyên suốt , minh bạch từ cơ quan quản lý, SGDCK, VSD đến thành viên thị trường, công ty đại chúng… còn chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một số thành viên thị trường còn chưa cao… Do vậy, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, năm 2018 Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi để thay thế cho Luật Chứng khoán hiện hành và phải trình Quốc hội lần đầu tiên vào kỳ họp thứ 2 của năm 2018 (khoảng tháng 11/2018). Như vậy còn khoảng 10 tháng để xây dựng Luật này và từ định hướng chính sách để xây dựng được dự thảo Luật cũng không phải đơn giản. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các Hiệp hội, các thành viên thị trường có sự quan tâm phối hợp với UBCKNN và Bộ Tài chính để cùng nhau xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) đạt kết quả tốt.
Hai là, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lại TTCK theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay UBCKNN tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị, các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiệm vụ về tái cơ cấu giai đoạn 2018 - 2020 và cũng phải có tầm nhìn dài hơn đến năm 2030 về phát triển TTCK, trong đó có tái cơ cấu về hàng hóa trên thị trường, tái cơ cấu về cơ sở các nhà đầu tư, cơ sở các tổ chức tài chính trung gian. Đặc biệt là tái cấu trúc về khu vực giao dịch thị trường trong đó có trách nhiệm của 2 SGDCK trong việc triển khai phát triển thị trường kể cả về TTCK phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp.
Ba là, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ về CPH các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và sắp xếp lại các DNNN, đi theo đó là cơ chế về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để TTCK thực sự trở thành thị trường để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và cung cấp nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế.
Đồng thời, thực hiện cơ chế về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và cơ chế quản trị này không phải chỉ có CTNY, CTCK, công ty quản lý quỹ phải thực hiện mà ngay cả các SGDCK, VSD cũng phải có trách nhiệm thực hiện về cơ chế minh bạch, công bố thông tin, quản trị điều hành để đảm bảo cho hệ thống đồng bộ, thống nhất.
Cuối cùng, UBCKNN ngoài việc tạo những cơ hội, giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường thì cần phải đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, quản lý thị trường để tạo điều kiện cho TTCK mang tính chất tuân thủ quy định pháp luật cao và thực sự là thị trường minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.