Thị trường chứng khoán phái sinh giúp phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư

PV. (t/h)

Năm 2023, trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, thị trường chứng khoán phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ảnh  minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán phái sinh bản chất là thị trường phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các mảng thị trường khác. Theo các chuyên gia chứng khoán, cơ chế phòng ngừa rủi ro của thị trường này là khi lo ngại giá thị trường của tài sản cơ sở bị biến động mạnh, các nhà đầu tư sẽ mở các vị thế mua/bán sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro.

Khi giá trên thị trường cơ sở sụt giảm, thay vì bán tài sản cơ sở để cắt lỗ, nhà đầu tư sẽ đóng các vị thế bán trên thị trường chứng khoán phái sinh để hiện thực hóa lợi nhuận, bù đắp cho phần giá trị thiệt hại của danh mục tài sản cơ sở với chi phí thấp, giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở.

Thị trường chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận dựa vào biến động giá qua hoạt động mở, đóng vị thế liên tục ngay trong phiên, hạch toán bù trừ theo thời gian thực và bù trừ thanh toán ngay trong ngày. Đặc biệt, thị trường chứng khoán phái sinh cho phép giao dịch 2 chiều giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm. Ngoài ra, trong chiến lược giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh, các công ty chứng khoán phái sinh còn thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chêch lệch giá giữa 2 thị trường cơ sở và phái sinh.

Theo quy luật thị trường, ở đâu có cơ hội sinh lời thì ở đó thu hút dòng tiền đầu tư. Điều đó giải thích tại sao thanh khoản của thị trường chứng khoán phái sinh thông thường sẽ tăng rất mạnh trong các giai đoạn thị trường cơ sở biến động mạnh, bất kể theo chiều tăng hay giảm. Thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng phát huy vai trò là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm, mà không phải hút nguồn tiền của thị trường cơ sở.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2023, trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, thị trường chứng khoán phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính từ đầu năm đến nay đạt 236.714 hợp đồng/phiên, giảm 13% so với năm 2022. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tính đến ngày 25/12/2023 đạt 59.602 hợp đồng, tăng 6% so với cuối tháng trước, tăng 19% so với cuối năm 2022. 

Về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, tính từ đầu năm tới nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 32.500.566 chứng quyền/phiên, tăng 0,2% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch đạt 28,58 tỷ đồng/phiên, tăng 34,8% so với bình quân năm 2022.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, sau khi tăng mạnh trong quý III/2023, số lượng tài khoản giao dịch mở mới đã có sự sụt giảm trong tháng 10, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đến cuối tháng 11/2023 đạt hơn 7,25 triệu tài khoản, giảm 3% so với tháng 10 nhưng tính chung 11 tháng vẫn tăng 5,16% so với cuối năm 2022.

Theo các chuyên gia chứng khoán, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, khi thị trường cơ sở trong xu hướng giảm ngắn hạn hay trung hạn, thậm chí giảm dài hạn, khả năng kiếm được lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường cơ sở là rất khó khăn. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán phái sinh.

Năm 2024, trong bối cảnh dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều biến động do kinh tế - chính trị nói chung và thị trường toàn cầu nói riêng tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thách thức, các nhà đầu tư sẽ lại tìm đến thị trường chứng khoán phái sinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận cũng như phòng ngừa rủi ro đầu tư.