Thị trường chứng khoán phái sinh "hút" nhà đầu tư

Tùng Anh

Trên thế giới, phần lớn các nước có thị trường tài chính phát triển đều ưu tiên xây dựng và phát triển thị trường phái sinh như một cấu phần không thể thiếu trong cấu trúc thị trường tổng thể. Tại Việt Nam, sau hơn 5 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Việt Nam, sự ra đời của TTCK phái sinh vào năm 2017 là một bước tiến quan trọng giúp hoàn thiện cấu trúc TTCK. Sau hơn 5 năm hoạt động, thị trường thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư.

Tính đến hết tháng 11/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt hơn 1,15 triệu tài khoản. Quy mô và thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng mạnh qua các năm. Trong đó, khối lượng giao dịch trung bình Hợp đồng tương lai VN30 tăng từ 10.954 hợp đồng/phiên năm 2017 lên gần 250.000 hợp đồng/phiên trong 11 tháng đầu năm 2022.  

Khối lượng hợp đồng mở (OI) của Hợp đồng tương lai VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 49.170 hợp đồng vào cuối tháng 10/2022.

Khối lượng giao dịch và OI liên tiếp lập các kỷ lục mới với khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022 và OI cao nhất đạt 65.760 hợp đồng vào ngày 17/8/2022. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng mạnh chiếm 1,9% của toàn thị trường so với con số 0,1% của năm 2017.

Trong khi đó, dữ liệu thực tế tại các thị trường quốc tế cho thấy, giai đoạn cuối năm 2019 đầu năm 2020, TTCK sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ số giảm xuống mức kỷ lục: S&P500 giảm xuống còn 2304.92 điểm (ngày 20/3/2020), FTSE 100 giảm xuống còn 4993.89 điểm (ngày 23/3/2020), Nikkei 225 giảm xuống còn 16552.83 điểm (ngày 19/3/2020)…, thị trường phái sinh thế giới lại tăng mạnh mẽ.

Thống kê của Hiệp hội phái sinh quốc tế cho thấy năm 2020, tổng khối lượng giao dịch phái sinh trên thế giới đạt 46,77 tỷ hợp đồng, mức cao nhất đến thời điểm đó, tăng 35,6% so với năm 2019. Tương tự đối với năm 2021, khi thị trường cơ sở giảm, tổng khối lượng giao dịch phái sinh trên thế giới tiếp tục tăng 33,7% so với năm 2020, đạt 62,58 tỷ hợp đồng.

Riêng 9 tháng đầu năm 2022, thị trường phái sinh thế giới đã đạt 60,66 tỷ hợp đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước và năm 2022 được dự đoán sẽ tiếp tục lập kỷ lục thanh khoản mới, cho thấy sức hút không hề suy giảm của thị trường này.

Có thể nói, trong năm 2022, thị trường cơ sở có nhiều biến động do điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình Việt Nam và thế giới, TTCK phái sinh đã phát huy vai trò tích cực, là một kênh đầu tư mới cho thị trường, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư, giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội sinh lời.

Sự phát triển quy mô thị trường phái sinh, mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế xem xét việc nâng hạng TTCK Việt Nam tiến tới trở thành thị trường mới nổi.