Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2019 và những vấn đề đặt ra năm 2020

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 – Tháng 01/2020

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019, phân tích các nhân tố tác động tích cực đến thị trường trong thời gian tới, có thể đưa ra nhận định, năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng phát triển theo hướng bền vững và từng bước trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế trong dài hạn.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2019 và những vấn đề đặt ra năm 2020.
Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2019 và những vấn đề đặt ra năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước

Nhìn lại tổng quan thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2019 có thể nhận thấy, thị trường chịu tác động sâu sắc từ những diễn biến phức tạp, đa chiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu

Năm 2019, thị trường tài chính quốc tế nói chung và TTCK thế giới nói riêng chịu nhiều tác động trái chiều vừa mang tính tiêu cực, vừa mang tính tích cực. Điển hình như: Sự giằng co trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung; nguy cơ Brexit không đạt được thỏa thuận; những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực và đặc biệt là sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới… Nếu như, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ Brexit không đạt được thỏa thuận cũng như những bất ổn về địa chính trị của một số khu vực trên thế giới năm 2019 được xem là nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường tài chính thế giới thì việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước lớn được đánh giá là nhân tố nâng đỡ TTCK.

Nửa đầu năm 2019, TTCK toàn cầu hầu hết chịu ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tiền tệ thắt chặt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước lớn liên tục tăng lãi suất từ năm 2018. Việc áp dụng chính sách tài chính thắt chặt của các nước lớn trong những năm trước và trong suốt năm 2018 đã dẫn đến xu hướng giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu khi hầu hết các dự báo về mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 đều giảm.

Việc lãi suất đồng USD tăng đã dẫn đến xu hướng rút vốn từ các quỹ đầu tư cổ phiếu để chuyển sang đầu tư vào các quỹ trái phiếu tại Mỹ và các nước lớn. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến giá vốn tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong 6 tháng đầu năm hầu hết tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sút, kéo theo sự giảm sút của TTCK, đặc biệt là thị trường cổ phiếu thế giới.

Từ tháng 7/2019, dưới sức ép của nhiều nhân tố, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chủ trương phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ tăng trưởng giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ của các nước lớn đã bắt đầu đảo chiều theo hướng nới.

Cụ thể, FED liên tục 3 lần giảm lãi suất và "bơm" hàng trăm tỷ USD vào hệ thống tài chính trong tháng 9/2019 để giảm lãi suất trên thị trường cho vay ngắn hạn, kéo theo đó, hàng loạt ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn cũng liên tiếp hạ lãi suất. Như vậy, trong năm 2019 đã có tổng cộng 139 đợt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới (trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là -0,54%, Ấn Độ 5 lần cắt giảm lãi suất, Australia 3 lần cắt giảm lãi suất, Philipines cắt giảm 5 lần, Indonesia cắt giảm 4 lần và Singapore cắt giảm 1 lần).

Bên cạnh đó, một lượng lớn trái phiếu cũng được ngân hàng trung ương các nước mua lại nhằm tăng lượng cung tiền ra thị trường. Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tại các nước đã và đang dẫn đến việc đảo chiều dòng vốn từ các quỹ đầu tư trái phiếu sang các quỹ đầu tư cổ phiếu khi mà lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hạ xuống 1,781%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm hạ xuống 1%. Đây là nhân tố nâng đỡ TTCK thế giới trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là thị trường cổ phiếu giữ ổn định và tăng trưởng.

So với cuối năm 2018, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12/2019, trên TTCK Mỹ, chỉ số DowJones 30 đạt 28.276,2 điểm - mức cao kỷ lục trong lịch sử và tăng 21,2%, chỉ số S&P500 của Mỹ đạt 3.192,5 điểm, tăng 27,35%; trên TTCK châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 đạt 3.749,62 điểm, tăng 22,74%, trên thị trường Nhật Bản chỉ số Nikkei 225 đạt 23.934,43 điểm, tăng 11,57%. Do độ mở cửa nền kinh tế ngày càng lớn, mức độ phụ thuộc của thị trường tài chính Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng với thị trường thế giới ngày càng cao, nên việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước cũng là một trong những nhân tố gián tiếp giúp TTCK Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có xu hướng phục hồi tích cực hơn 6 tháng đầu năm 2019.

Bối cảnh trong nước

TTCK Việt Nam năm 2019 được đánh giá là có nhiều động lực tích cực hỗ trợ phát triển nhờ các yếu tố như: Các cân đối vĩ mô được đảm bảo; chính sách tài khóa ổn định và chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng nới lỏng. Năm 2019, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP quý III tăng 7,31% đưa tốc độ tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt 6,98%; Lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây với Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 11 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,75%; Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu 11 tháng đầu năm đạt 9,1 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, tỷ giá tương đối ổn định.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2019 và những vấn đề đặt ra năm 2020 - Ảnh 1

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2019, Việt Nam cùng 4 nền kinh tế nằm trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trường GDP toàn cầu. Theo báo cáo của U.S.News & World Report, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Theo đánh giá của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales, Việt Nam đang là điểm nóng của dòng vốn đầu tư quốc tế trong khu vực ASEAN, do có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong khu vực với mức dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam đạt xấp xỉ 7% so với mức 4-5% của các nước ASEAN. Đây là các yếu tố thuận lợi giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng ổn định và tiếp tục là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019.

Năm 2019, không nằm ngoài xu thế chung của thị trường thế giới, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng thông qua động thái cắt giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa cuối năm 2019 nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô và giảm thiểu tác động từ các nhân tố tiêu cực của bối cảnh kinh tế quốc tế. Ngày 12/9/2019, NHNN đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25% xuống 6%/ năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/ năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Tiếp đó ngày 19/11/2019, NHNN quyết định giảm 0,5%/năm đối với các loại lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; Đồng thời, cắt giảm 0,5% đối với các loại lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngày 1/12/2019, lần đầu tiên sau 14 năm, NHNN quyết định hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng từ mức 1,2%/năm về mức 0,8%/năm. Lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc về mốc 0%/năm. Đối với ngoại tệ, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 0%/năm, còn vượt dự trữ bắt buộc 0,05%/năm. Ngoài ra, NHNN hạ lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm. Có thể thấy, chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN thời gian vừa qua là một trong những nhân tố quan trọng để dòng tiền nhàn rỗi dịch chuyển từ kênh tín dụng truyền thống sang các kênh đầu tư khác trong đó có TTCK.

Những biến động trên đây của kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong thời gian qua được xem là những nhân tố tác động đa chiều lên TTCK cơ sở và tạo ra những diễn biến phức tạp trên thị trường trong năm 2019. Trên TTCK cơ sở, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có những tháng sôi động, song nhìn chung thị trường chỉ phục hồi nhẹ khi VN -Index ngày 30/6 dừng ở mức 949,94 điểm, tăng 6,4% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, diễn biến của thị trường đã có chuyển biến tương đối rõ rệt, VN-Index có những thời điểm vượt mức 1.000 điểm và đạt đỉnh 1024,91 điểm vào ngày 6/11. Đến đầu tháng 12, mặc dù thị trường có xu hướng đi xuống so với những tháng trước đó, nhưng vẫn đạt tốc độ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm. Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, VN-Index đạt 963,56 điểm, tăng 8% so với cuối năm 2018. Như vậy, mặc dù chỉ số VN-Index có những diễn biến phức tạp, song nhìn chung TTCK Việt Nam phục hồi tương đối so với thời điểm cuối năm 2018.

Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 6/12/2019 đạt 4383 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018 (tương đương 79,2% GDP). Hiện có 748 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch và 826 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Upcom với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt gần 1.385 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2018. Quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu đạt 1.184 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2018 (tương đương với 21,4% GDP). Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 9.139 tỷ đồng, tăng 3,4% so với bình quân năm 2018, trong đó tỷ trọng giao dịch repo có xu hướng ngày càng tăng và ngày càng lớn hơn tỷ trọng giao dịch mua bán thông thường. Điều này cho thấy, thị trường trái phiếu đã có sự tăng trưởng về chiều sâu. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là năm ghi nhận thành công của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 9,91% GDP. Dự kiến, năm 2019 quy mô thị trường sẽ tăng 29% so với cuối năm 2018, gấp 9,6 lần so với năm 2012. Riêng trong tháng 10, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam có gần 10.000 tỷ đồng TPDN đã được phát hành với mức lãi suất giao động từ 6,5% đến 11%/năm, tùy vào thời hạn và khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. Điều này cho thấy TTCK đã và đang từng bước trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Năm 2019, tổng mức huy động vốn trên TTCK cơ sở ước đạt 302,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là, trong năm 2019, các thương vụ bán vốn lớn thành công như Techcomnbank (0,9 tỷ USD), Vinhomes (1,35 tỷ USD), VinGroup (1 tỷ USD) cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp duy trì dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam. Những nhân tố trên giúp TTCK năm 2019 vẫn là điểm đến tích cực của nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 6/12/2019, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7.983 tỷ đồng cổ phiếu và mua ròng 13.034 tỷ đồng trái phiếu.

Trên TTCK phái sinh, năm 2019 có sự gia tăng thêm nguồn cung mạnh mẽ khi đón nhận thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) dành chủ yếu cho các nhà đầu tư tổ chức. Nhìn lại hoạt động của TTCK phái sinh năm 2019 có thể nhận thấy, thị trường này chịu tác động từ tâm lý phòng vệ rủi ro của nhà đầu tư. Với tâm lý phòng vệ rủi ro, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số trong năm 2019 đã và đang chịu nhiều tác động từ TTCK cơ sở. Nếu như TTCK cơ sở có xu hướng chững lại trong 6 tháng đầu năm thì phân khúc thị trường hợp đồng tương lai chỉ số lại có xu hướng bùng nổ trong thời gian này cả về khối lượng giao dịch và khối lượng mở (OI), trong đó OI đã đạt mốc kỷ lục kể từ khi thị trường đi vào hoạt động là 39.854 hợp đồng vào ngày 23/5/2019. Tuy nhiên, bước sang 6 tháng cuối năm 2019 khi TTCK cơ sở bắt đầu xu hướng phục hồi tích cực hơn thì phân khúc thị trường này lại có xu hướng giảm thể hiện ở khối lượng mở OI toàn thị trường đến 6/12 chỉ đạt 17.840 hợp đồng giảm 18% so với cuối năm 2018.

Đối với phân khúc thị trường hợp đồng tương lai TPCP, sau gần 5 tháng ra mắt, 2 sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm đầu tiên đã được nhà đầu tư đón nhận theo chiều hướng tích cực khi trong tháng 9 có thời điểm OI bùng nổ lên tới 150 hợp đồng. Sau đó phân khúc thị trường này có dấu hiệu chững lại và giảm xuống, tại ngày 6/12 OI chỉ còn 11 hợp đồng. Mặc dù TTCK phái sinh có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm song số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng. Tính đến ngày 31/11/2019 có 88.724 tài khoản giao dịch và ký quỹ và được đăng ký trên hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tăng hơn 55,2% so với thời điểm cuối năm 2018. Điều này cho thấy, sau 2 năm đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã được các nhà đầu tư đón nhận và thể hiện tốt vai trò là công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả, góp phần tích cực vào việc duy trì dòng vốn trên TTCK cơ sở.

Trong năm 2019, để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt làvốn trung vàdài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủthểtham gia huy động vốn, ngành Chứng khoán đã và đang tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2019 nhằm tạo nền tảng pháp lý ngày càng minh bạch cho thị trường; Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Tiếp tục chú trọng vào việc xây dựng và vận hành các sản phẩm mới trên thị trường, như các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều bộ chỉ số khác nhau, các sản phẩm quyền chọn, các sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; Hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu; Cơ cấu lại cơ cấu cơ sở nhà đầu tư trên thị trường; Nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; Tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định tạo sự phát triển bền vững cho thị trường; các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Có thể nói, những giải pháp mà ngành Chứng khoán đã và đang thực hiện đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển và phục hồi của thị trường trong năm 2019.

Nhìn chung, bối cảnh quốc tế và trong nước trên đây đã tác động và tạo ra những diễn biến phức tạp của TTCK Việt Nam năm 2019. Những diễn biến này cũng cho thấy thị trường tài chính nói chung và TTCK Việt Nam đã có sự liên thông và gắn kết chặt chẽ với thị trường tài chính thế giới, chịu tác động sâu sắc từ những biến động trên thị trường tài chính thế giới.

Những vấn đề đặt ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020

Trong Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 242-QĐ-TTg ngày 28/2/2019, năm 2020, các mục tiêu Chính phủ đặt ra cho TTCK bao gồm: Quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Nhìn dưới nhiều giác độ, những mục tiêu đặt ra cho thị trường này nhiều khả năng sẽ đạt được do dự báo sẽ có một số tác động tích cực đến thị trường và được xem là các nhân tố tạo động lực cho thị trường phát triển trong năm 2020, cụ thể:

Thứ nhất, mặc dù có những yếu tố khó lường song kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ ít có khả năng xảy ra khủng hoảng và được kỳ vọng sẽ vượt qua xu hướng tăng trưởng của những năm trước. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, kinh tế thế giới được dự báo đạt mức tăng trưởng 3,4% năm 2020 cao hơn mức 3% được dự báo cho năm 2019. Đặc biệt, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" vào ngày 13/12/2019 sau hơn 2 năm rưỡi đàm phán được xem là nhân tố tích cực tác động đến TTCK toàn cầu trong thời điểm cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Theo đó, Mỹ sẽ giảm một số loại thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc và đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng lượng mua nông sản, hàng chế tạo và năng lượng của Mỹ khoảng 200 tỷ USD trong hai năm tới. Mỹ đã hoãn áp thuế mới lên số hàng hóa trị giá 160 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời giảm một nửa thuế quan xuống 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Với việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, cuộc chiến thương mại sẽ bớt căng thẳng và tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư vào sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2020.

Bên cạnh đó, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ từ các nước và nền kinh tế lớn trong năm 2019 cộng với những dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ khiến dòng vốn trong năm 2020 nhiều khả năng có xu hướng dịch chuyển từ kênh tín dụng ngân hàng – nơi có lợi suất thấp, sang các kênh đầu tư khác như: chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu được xem là kênh đầu tư có tiềm năng trong các kênh đầu tư truyền thống, do chính sách nới lỏng tiền tệ ở hầu khắp các nước khiến chi phí vốn thấp, làm tăng mức chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư khi cân nhắc chiến lược phân bố tài sản. Như vậy, xu hướng phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế được dự báo sẽ là nhân tố thúc đẩy TTCK thế giới nói chung, trong đó có TTCK Việt Nam - một trong những thị trường hấp dẫn nhất của khu vực Đông Nam Á, khi Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng để đầu tư và dự báo sẽ đạt mức tăng trường kinh tế năm 2020 từ các 6,5%-7%.

Thứ hai, môi trường kinh tế trong nước đã và đang tạo thuận lợi cho TTCK phát triển. Năm 2020, trên đà thành công của năm 2019, Chính phủ dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 33-34% GDP. Có thể nói, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng (năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá đã có cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018) đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực chính nâng đỡ thị chứng khoán trong năm 2020. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau 14 năm, chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều chỉnh theo hướng nới lỏng thông qua cắt giảm các loại lãi suất chủ chốt vào những tháng cuối năm 2019 cũng đã và đang khiến các dòng vốn tín dụng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác trong đó có chứng khoán. Đây cũng được xem là một trong những nhân tố tích cực đối với TTCK trong giai đoạn tới.

Thứ ba, để thực hiện mục tiêu Chính phủ đặt ra cho TTCK cũng như hỗ trợ thị trường, năm 2020, ngành Chứng khoán đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai các nội dung: (i) Xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy quy định Luật Chứng khoán năm 2019 nhằm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả, an toàn, minh bạch; (ii) Tăng cung hoàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung thông qua thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu đáp ứng nhu cầu tư theo lộ trình phù hợp, thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu chính phủ thông qua nghiệp vụ mua lại, hoán đổi; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và đưa trái phiếu lên niêm yết; triển khai phát hành trái phiếu xanh; nghiên cứu phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lại dựa trên các bộ chỉ số mới,hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu riêng lẻ; (iii) Phát triển nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường thông qua đẩy mạnh tái cơ cấu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cường giám sát rủi ro, đánh giá các công ty chứng khoán, quản lý quỹ trên cơ sở hoàn thiện hệ thống phân loại rủi ro; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định pháp lý của các tổ chức này; (iv) Tái cấu trúc các tổ chức hạ tầng thị trường bao gồm các Sở Giao dịch, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường; (v) Hoàn thiện và đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động tạo nền tảng công nghệ để thị trường vận hành an toàn, thông suốt, bảo mật và là cơ sở để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo chuẩn mực quốc tế…; (vi) Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, tiến tới cấu trúc lại các sản phẩm và thị trường theo nhóm nhà đầu tư, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp theo hướng mở rộng sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế; (vii) Tích cực triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng cận biên lên hạng mới nổi nhằm thu hút các dòng vốn nước ngoài có tính ổn định vào thị trường.

Có thể nói, những giải pháp trên của ngành chứng khoán sẽ là động lực quan trọng nhất và là nền tảng để TTCK phát triển bền vững trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019;
2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường
bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”;
3. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 13/2019/TT-BTC ngày 15/03/2019 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn
về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa
niêm yết;
4. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 35/2019/TT-BTC ngày 12/6/2019 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 115/2017/TT-BTC ngày 25/10/2017 hướng
dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán và Thông tư số
116/2017/TT-BTC ngày 25/10/2017 hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy
ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng