Chứng khoán toàn cầu đối mặt nhiều thách thức

Khánh Hạ

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu diễn biến phân hóa trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ, căng thẳng thương mại và dữ liệu kinh tế mới. Nhà đầu tư thận trọng theo dõi các báo cáo tăng trưởng và lạm phát từ các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc cùng các động thái chính sách của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, tạo nên bức tranh thị trường nhiều biến động nhưng vẫn hé mở cơ hội đầu tư.

Trong tuần này, phố Wall sẽ bước vào mùa báo cáo tài chính quý II/2025. Ảnh Internet
Trong tuần này, phố Wall sẽ bước vào mùa báo cáo tài chính quý II/2025. Ảnh Internet

Phố Wall phủ sóng xanh trước thềm báo cáo lợi nhuận quý II

TTCK Mỹ khởi đầu tuần mới trong sắc xanh, với chỉ số S&P 500 lập mức đỉnh lịch sử mới bất chấp những lo ngại về chính sách thuế quan cứng rắn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhà đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng vào đà giảm lạm phát và một mùa báo cáo lợi nhuận quý II khả quan từ các doanh nghiệp lớn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7 (sáng hôm qua theo giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 88,14 điểm, tương đương 0,2% lên 44.459,65 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,81 điểm, tương đương 0,14% lên 6.268,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 54,8 điểm, tương đương 0,27% lên 20.640,33 điểm.

Động lực chính giúp thị trường giữ được đà tăng đến từ kỳ vọng lạm phát tháng 6 (sẽ được công bố vào ngày 16/7) tiếp tục hạ nhiệt, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9. Lạm phát thấp cũng là điều kiện quan trọng hỗ trợ triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, trong bối cảnh chi phí vốn và tiêu dùng đều chịu tác động lớn từ mặt bằng lãi suất hiện tại.

Trong tuần này, phố Wall sẽ bước vào mùa báo cáo tài chính quý II, bắt đầu với kết quả từ các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo. Các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận trong nhóm tài chính và công nghệ sẽ tiếp tục khả quan nhờ ổn định chi tiêu doanh nghiệp và mức sinh lời trên tài sản cao hơn từ lãi suất. Tuy nhiên, rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ vẫn hiện hữu.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thu thuế quan của nước này tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua, đưa tổng thu thuế quan từ đầu năm tài khóa vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử nước này. Báo cáo cho thấy thuế quan bắt đầu trở thành một nguồn thu ngân sách quan trọng của Chính phủ liên bang Mỹ. Tổng thu ngân sách từ thuế quan trong tháng trước đạt 27,2 tỷ USD, sau khi hoàn thuế còn 26,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, mức thu thuế quan của tháng 6 tăng gấp 4 lần và là mức cao kỷ lục. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng tổng thuế quan cả năm có thể vượt 300 tỷ USD nếu duy trì tốc độ hiện tại. Kết quả này có thể củng cố quan điểm của ông Trump rằng thuế quan là một công cụ quan trọng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách lẫn thâm hụt thương mại...

Tâm lý thị trường cũng bị chi phối phần nào bởi căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed. Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Jerome Powell vì không sớm hạ lãi suất, thậm chí không loại trừ khả năng thay thế người đứng đầu ngân hàng trung ương. Một số cố vấn kinh tế trong chính quyền cũng đang công khai hoài nghi chi phí cải tạo trụ sở Fed, làm dấy lên lo ngại về tính độc lập của chính sách tiền tệ Mỹ.

Dù vậy, trong ngắn hạn, tâm lý lạc quan vẫn đang chiếm ưu thế, khi giới đầu tư đặt kỳ vọng Fed sẽ hành động linh hoạt hơn nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy áp lực giá suy yếu và tăng trưởng hạ nhiệt.

Các sàn chứng khoán tại châu Á chốt phiên giao dịch ngày 15/7 với diễn biến phân hóa rõ rệt. Ảnh Internet
Các sàn chứng khoán tại châu Á chốt phiên giao dịch ngày 15/7 với diễn biến phân hóa rõ rệt. Ảnh Internet

Chứng khoán châu Á giằng co vì lo ngại tăng trưởng Trung Quốc

Trong khi thị trường Mỹ giữ được sắc xanh, các sàn chứng khoán châu Á chốt phiên giao dịch ngày 15/7 với diễn biến phân hóa rõ rệt. Căng thẳng thương mại leo thang từ Mỹ và dữ liệu tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc đang gây áp lực trái chiều lên khu vực, bất chấp kỳ vọng về các gói kích thích trong thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/7 (tại thời điểm 16h00), Nhật Bản giảm 209,38 điểm, tương đương 0,53%, đóng cửa ở mức 39.669,00 điểm; Hồng Kông tăng 386,8 điểm, tương đương 1,6%, đóng cửa ở mức 24.590,12 điểm; Trung Quốc giảm 14,65 điểm, tương đương 0,42% xuống 3.505,00 điểm; Hàn Quốc tăng 13,25 điểm, tương đương 0,41% lên 3.215,28 điểm; Singapore tăng 11,39 điểm, tương đương 0,28%, đóng cửa ở mức 4.120,60 điểm; Malaysia giảm 12,11 điểm, tương đương 0,79% xuống 1.525,40 điểm; Indonesia tăng 40,83 điểm, tương đương 0,58% lên 7.137,98 điểm.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II, vượt mục tiêu cả năm 5% của Bắc Kinh, qua đó giảm bớt áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường kích thích để hỗ trợ tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2% trong quý II, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Ba. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này vượt dự báo 5,1% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát, nhưng vẫn thấp hơn mức 5,4% của quý I.

Tuy nhiên, một số chỉ số kinh tế nội địa cho thấy dấu hiệu chững lại. Doanh số bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 6,4% trong tháng 5 và thấp hơn dự báo 5,4% từ các nhà kinh tế. Theo Wind Information, trong thước đo quan trọng về mức tiêu thụ, doanh số bán dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,9%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2022 khi Trung Quốc vẫn còn đang vật lộn với đại dịch COVID-19.

Sản lượng công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo 5,7%. Ngược lại, đầu tư tài sản cố định tăng 2,8% trong nửa đầu năm, thấp hơn ước tính tăng 3,6% trong cuộc khảo sát của Reuters. Sự sụt giảm trong đầu tư bất động sản còn sâu hơn, giảm xuống 11,2% trong nửa đầu năm, so với mức giảm 10,7% trong năm tháng đầu năm. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất cũng chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vẫn ở mức 5% vào tháng 6, sau khi đạt mức cao nhất trong hai năm là 5,4% vào tháng 2.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, đà tăng chủ yếu nhờ lực mua mạnh ở nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản, sau khi xuất hiện kỳ vọng Bắc Kinh có thể tung ra các gói hỗ trợ mới trong tháng 9 nếu đà tăng trưởng tiếp tục chững lại. Dòng vốn đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Hồng Kông, nhắm tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ yếu đang tạo lợi thế cạnh tranh.

Trái ngược, TTCK Nhật Bản giảm điểm do giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại với Mỹ có thể ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu Nhật Bản tăng mạnh trước cuộc bầu cử Thượng viện khiến chi phí vốn dự báo tăng. Việc Washington liệt kê hàng hóa Nhật Bản trong nhóm có thể bị đánh thuế mới càng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng nhờ được hỗ trợ bởi các cổ phiếu bán dẫn và kỳ vọng Washington không mở rộng thuế lên mặt hàng công nghệ cao. Tâm lý tích cực cũng đến từ thị trường lao động Hàn Quốc hồi phục và sự ổn định của đồng won.

Các nhà đầu tư trong khu vực tiếp tục theo dõi sát diễn biến từ Mỹ, đặc biệt là dữ liệu lạm phát dự kiến công bố ngày 16/7, sẽ ảnh hưởng đến đường đi lãi suất của Fed và triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu động lực rõ ràng, xu hướng giao dịch thận trọng và phân hóa nhiều khả năng sẽ duy trì trong các phiên tới.