Thị trường chứng khoán Việt Nam: 4 phiên tăng liên tiếp, niềm vui đã trở lại?

Tuấn Thủy

Mặc dù xuất hiện nhiều rung lắc, giằng co, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng điểm "đều đều". Đáng chú ý, xu thế khối ngoại tiếp tục mua ròng cho thấy tâm lý nhà đầu tư cũng đã dần ổn định và lạc quan trở lại.

Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt mức 10.691 tỷ đồng với 677 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt mức 10.691 tỷ đồng với 677 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên cuối tuần mở cửa khá tích cực khi VN-Index tăng gần 3 điểm. Một loạt mã cổ phiếu ngành Ngân hàng chuyển xanh sau thông tin lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống 1%, là mức thấp nhất trong 8 tháng gần đây.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã nhanh chóng xuất hiện, đẩy giá giảm liên tục sau đó. Cổ phiếu ngành Ngân hàng lại quay về tham chiếu, dù số lượng mã cổ phiếu tăng nhiều gần gấp đôi số lượng mã cổ phiếu giảm (11 mã tăng /6 mã giảm) do một lượng lớn cổ phiếu VCB bị bán tháo, kéo hạ chỉ số cả ngành.

Sang đến phiên chiều, các chỉ số chính đã có sự hồi phục nhẹ, nhưng liên tục xuất hiện giằng co. Vào phiên ATC, nhiều nhà đầu tư phải “thót tim” khi có lúc thị trường giảm xuống dưới mức tham chiếu. Chưa đầy 5 phút cuối cùng, thị trường lại bứt tốc lên nhờ lực cầu gia tăng. Số lượng mã tăng áp đảo số lượng mã giảm. Số lượng mã tăng trần cũng lớn hơn, chứng tỏ bên mua đang thắng thế.

Lực mua của khối nội cũng đã cải thiện, thị trường không còn phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền khối ngoại. Hôm nay, khối ngoại mua ròng chưa đến 80 tỷ đồng, trong khi thanh khoản có tín hiệu tích cực. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt mức 10.691 tỷ đồng với 677 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Hai cổ phiếu có yếu tố Nhà nước là VCB và BID tác động xấu nhất tới thị trường với mức giảm lần lượt là -1,87%, -0,76%. Trong khi đó, cổ phiếu họ nhà Vingroup có tác động tốt nhất tới thị trường là VHM (+2,08%) và VIC (+0,95%).

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,69 điểm (tương đương tăng 0,16%), đóng cửa ở mức 1.46,79 điểm. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã lạc quan dần trở lại.

Tuy nhiên, tính chung cả một tuần giao dịch, thị trường không có thay đổi gì nhiều, dùng dằng trong biên độ từ 1.040 điểm đến 1.050 điểm. Suốt 4 phiên qua, dù tăng điểm đều đều nhưng độ rộng thị trường vẫn nghiêng nhiều về số mã giảm, ở trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang bám sát đường trung bình động MA20, cùng với việc các chỉ báo vẫn đang “bẻ ngang” cho tín hiệu trung lập và chưa xác định xu hướng một cách rõ ràng. Tuy chỉ báo MACD và RSI ở khung đồ thị có đang hướng lên nhưng cũng mới chỉ tạo một đáy nên việc VN-Index bất ngờ xuất hiện lực bán tại khu vực 1.050 điểm là cần được tính đến.

Công ty chứng khoán SSI cho rằng, trong ngắn hạn, rung lắc, giằng co vẫn sẽ là xu thế chính của thị trường. Kháng cự gần trên VN-Index là ngưỡng tâm lý 1.050 điểm, trong khi hỗ trợ gần là ngưỡng điểm 1.030 – 1.020 điểm. Theo đó, các giao dịch ngắn hạn vẫn nên ưu tiên theo hướng canh chốt lời tại các nhịp tăng giá, retest kháng cự và nhà đầu tư có thể canh mua trở lại nếu xuất hiện các nhịp điều chỉnh về nền hoặc về hỗ trợ.

Theo khuyến nghị của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), xu thế của thị trường vẫn là đi ngang, nên phong cách đầu tư lúc này phù hợp với Swingtrade (mua-bán nhanh), tức là mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 và bán trong các phiên hưng phấn khi tăng điểm với thanh khoản không cải thiện.

Hiện tại, sau 4 phiên phục hồi, chỉ số sắp tiến trở lại vào vùng kháng cự trên tại ngưỡng 1.050 – 1. 065 điểm, nhưng đây cũng là vùng cho áp lực chốt lời.