Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chờ cơ hội khi bất định trở​ nên rõ ràng hơn

Mai Thư

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VSDC), trước khi tình hình bất định trên thị trường chứng khoán (TTCK) trở nên rõ ràng hơn, nhà đầu tư nên quản trị danh mục một cách linh hoạt, giảm đòn bẩy và tận dụng thời cơ tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành trong giai đoạn điều chỉnh này.

TTCK trong nước bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh cho quý đầu tiên của năm 2025.
TTCK trong nước bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh cho quý đầu tiên của năm 2025.
Xu hướng sụt giảm từ cú sốc thuế quan

Tính đến cuối tháng 3, TTCK toàn cầu đã bắt đầu phản ánh mối lo ngại về việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và lạm phát dai dẳng trong bối cảnh chính sách thuế quan “không chắc chắn”: các chỉ số chứng khoán của các TTCK lớn chứng kiến đà sụt giảm mạnh, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) rút mạnh tại các thị trường châu Á.

Đà tăng của TTCK Việt Nam cũng có phần chững lại khi dòng tiền nội liên tục cân áp lực bán ròng từ các nhà ĐTNN. Tuy nhiên, sang những phiên đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã có một đợt sụt giảm mạnh trước những biến động từ bên ngoài, từ chính sách thuế quan mới của Mỹ cho tới những động thái phản ứng của các TTCK toàn cầu, thị trường đang chịu làn sóng tác động sâu sắc... Tính từ phiên 31/3-08/4, chỉ sau 4 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index từ mức 1.305,36 điểm đã giảm 172,57 điểm (-13,22%) xuống còn 1.132,79 điểm.

Theo bà Lam, đây là thời điểm để “không chắc chắn” chuyển hóa thành “rủi ro có thể định lượng” đối với yếu tố bên ngoài khi Mỹ công bố chính sách thuế quan đối ứng. Bên cạnh đó, TTCK trong nước bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh cho quý đầu tiên của năm 2025, và đây cũng sẽ là yếu tố định hình biến động của TTCK Việt Nam trong các tháng tới.

Việc Mỹ đánh thuế cao hơn kỳ vọng (46%) đã tạo nên một thông tin bất ngờ. TTCK Việt Nam có thể tiếp tục chiết khấu thông tin - như đã diễn ra trong giai đoạn 2018-2019 - để phản ánh kỳ vọng tác động tiêu cực của chính sách thuế quan lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Sự kiện thuế quan lần này có khả năng kích hoạt căng thẳng thương mại leo thang hoặc dẫn đến bàn đàm phán để tìm tiếng nói chung. Vì vậy, thị trường sẽ tiếp tục biến động ít nhất cho đến khi có dấu hiệu về tiếng nói chung được tìm thấy.

VN-Index sẽ sớm tìm được “điểm cân bằng”

Theo bà Lam, “đáy của sự tiêu cực” từ chính sách hiện hữu cùng với những tín hiệu tốt từ các vòng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là chất xúc tác cho sự phục hồi của thị trường, khi Việt Nam không có tham vọng leo thang căng thẳng thương mại so với Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Canada.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý I/2025 kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng tích cực. Phương pháp “Top-down” của VSDC ước tính lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Theo bà Lam, hiện danh mục theo dõi của VSDC gồm 58 cổ phiếu, đại diện khoảng 70% vốn hóa thị trường, ghi nhận mức tăng trưởng 11%. Trong đó, những nhóm ngành lớn như Ngân hàng và Bất động sản sẽ là những nhân tố dẫn dắt mức tăng trưởng lợi nhuận của thị trường. Tuy nhiên, triển vọng kết quả kinh doanh quý 2/2025 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới, nếu các giải pháp đàm phán không đạt được kết quả kịp thời.

Theo phản ứng nhanh sau thông tin thuế quan mới từ Chính quyền Trump, bà Lam cho biết, VSDC dự báo VN-Index sẽ sớm tìm được “điểm cân bằng”, sau khi chạm mức từ 1.140 đến 1.165 điểm, trước khi phục hồi lên mức 1.285 điểm. Cơ sở cho nhận định này dựa trên việc thị trường đang được giao dịch với định giá thấp so với giai đoạn 2018-2019 và các tài sản trú ẩn như vàng, chỉ số DXY không phản ứng mạnh sau cú sốc thuế quan. Đồng thời, khả năng sớm đạt được thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có thể đẩy chỉ số phục hồi tích cực.

Trước những lo ngại về tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ,  các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quản trị danh mục, giảm đòn bẩy và điều chỉnh cơ cấu đầu tư. Nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, đặc biệt là những doanh nghiệp ít phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu Beta cao trong đợt phục hồi ban đầu.​

Trong ngắn hạn, tác động của thuế quan mới có thể gây ra đợt sốc cung, làm giá cả hàng hóa tăng cao và gia tăng rủi ro lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng tiền của các nền kinh tế xuất khẩu chủ lực. Diễn biến TTCK sẽ chịu ảnh hưởng từ phản ứng trả đũa của các nước bị áp thuế và khả năng đàm phán trước ngày 9/4 khi thuế quan có hiệu lực. Theo ước tính, mức thuế suất nhập khẩu trung bình của Mỹ có thể đạt 19,8%, kéo theo tăng giá tiêu dùng và giảm thu nhập thực tế của người dân Mỹ, đồng thời làm suy giảm GDP. Đối với Việt Nam, các biện pháp thuế quan mới có thể làm GDP giảm khoảng 5 tỷ USD (0,99%).

Theo bà Lam, trong ngắn hạn, những thông tin tích cực về thuế quan sẽ không đến sớm, khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh ở mức điểm cân bằng mới. Do đó, các nhà đầu tư nên tránh dùng sức mua để bắt đáy cho đến khi có tín hiệu về thỏa thuận thương mại. Từ góc nhìn danh mục đầu tư dài hạn, thị trường sẽ mở ra cơ hội tái cơ cấu với mức giá hấp dẫn khi đạt điểm cân bằng mới, tập trung vào các doanh nghiệp phòng thủ hoặc có doanh thu ít chịu ảnh hưởng từ các yếu tố thuế quan.​

Những biến động từ bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng cho thấy tầm quan trọng của việc quản trị danh mục linh hoạt, giảm đòn bẩy và tận dụng cơ hội tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành trong giai đoạn điều chỉnh này.