Thị trường chứng khoán Việt Nam: Sẽ sớm lấy lại mốc 1.000 điểm?

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu tháng 12 tiếp tục đà phục hồi từ giữa tháng 11 đến nay, bất chấp những phiên lao dốc của chứng khoán nhiều nước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu tháng 12 tiếp tục đà phục hồi. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu tháng 12 tiếp tục đà phục hồi. Nguồn: internet

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư thêm tin tưởng thị trường chứng khoán sẽ sớm lấy lại mốc 1.000 điểm.

Tâm lý ổn định

Đêm 4/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones của Mỹ lao dốc gần 800 điểm, tương đương 3,1%, thì ngay ngày hôm sau, chứng khoán châu Á và châu Âu chìm trong sắc đỏ với lực bán tháo mạnh mẽ. Ngược lại, chỉ số VN-Index chỉ giảm vỏn vẹn 1,7 điểm, tương ứng 0,18% dù trước đó đầu phiên phải chịu không ít áp lực.

Tính chung trong tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones đã mất hơn 1.100 điểm, tương đương giảm 4,5%. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm hơn 3%, Hang Seng của sàn Hong Kong mất gần 1,8%, ngược lại VN-Index có mức tăng gần 3,5%, cho thấy sự ngược dòng tích cực so với chứng khoán thế giới. 

Đây là kết quả của việc trong khi chứng khoán toàn cầu có những phiên điều chỉnh mạnh, thì chứng khoán Việt Nam giảm rất nhẹ hoặc thậm chí ngược dòng tăng, theo đó giúp VN-Index bứt phá ngưỡng kháng cự ở 950 điểm ngay từ đầu tuần và duy trì vững chắc trên vùng này trong suốt tuần qua.

Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam đã khá ổn định, không còn bị tác động quá mạnh và chịu sự hoảng loạn từ thị trường thế giới. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi mà nhà đầu tư nước ngoài sau những phiên mua ròng trong những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, thì 3 phiên cuối tuần qua đã bán ròng trở lại. Cụ thể trong 3 phiên 5, 6 và 7/12, khối ngoại đã bán ròng hơn 111 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Rõ ràng tâm lý nhà đầu tư nước ngoài vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến thị trường toàn cầu, tuy nhiên lực mua mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã đủ bù đắp và cho thấy không bị ảnh hưởng theo, nhất là khi có nhiều yếu tố khác hỗ trợ tích cực trong thời điểm hiện nay, cũng như kỳ vọng về một đợt tăng mới trong tháng cuối năm nay cho đến những tháng đầu năm sau.

Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSE trong tuần qua đạt gần 204 triệu cổ phiếu/phiên, tăng rất mạnh so với mức bình quân chỉ từ 130 - 150 triệu cổ phiếu/phiên trong những tuần gần đây. Thống kê này cho thấy khả năng dòng tiền lớn đã bắt đầu nhập cuộc trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đã khởi sắc hơn.

Đi kèm với điểm số tăng, thanh khoản cũng cải thiện tích cực. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSE trong tuần qua đạt gần 204 triệu cổ phiếu/phiên, tăng rất mạnh so với mức bình quân chỉ từ 130 - 150 triệu cổ phiếu/phiên trong những tuần gần đây. Thống kê này cũng cho thấy khả năng dòng tiền lớn đã bắt đầu nhập cuộc trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đã khởi sắc hơn.

Sẽ sớm lấy lại mốc 1.000 điểm?

Chứng khoán toàn cầu tuần qua bị ảnh hưởng tiêu cực chủ yếu bởi nghi ngờ về khả năng tiến triển của các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nỗi sợ hãi khi đường cong lợi suất trái phiếu tại Mỹ có nguy cơ bị đảo ngược, cũng như trước thông tin Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã bị bắt giữ tại Canada theo đề nghị từ Chính phủ Mỹ, nhưng chứng khoán Việt Nam dường như lại không chịu áp lực quá lớn từ những yếu tố này.

Trong khi đó, nội tại nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục cho thấy sự ổn định, với dòng vốn đầu tư tiếp tục tăng, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% so với tháng trước, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, tỷ giá có dấu hiệu giảm trở lại trên thị trường phi chính thức và cán cân thương mại hàng hóa duy trì mức thặng dư lớn.

Những dữ liệu này cùng với kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, được xem là yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, cũng như giúp niềm tin nhà đầu tư được cải thiện. Với việc thị trường vẫn đang duy trì xu hướng hồi phục tích cực, thì những dự báo lạc quan về chứng khoán càng giúp tâm lý nhà đầu tư thêm hứng khởi.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) mới đây cho rằng thị trường đã ổn định dần và có cơ hội quay lại vùng điểm kỳ vọng từ 975 - 1.000 điểm vào cuối năm 2018. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra dự báo Việt Nam rất có thể sẽ được nâng cấp lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018 (VBF 2018) sáng 4/12, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, niềm tin nhà đầu tư nước ngoài dành cho thị trường Việt Nam vẫn rất lớn khi dòng tiền tiếp tục rót ròng từ đầu năm đến nay, và ông cũng dự báo VN-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới.

Đáng lưu ý là sau đợt tăng mạnh của nhóm dệt may và thủy sản trước đó, thì những ngành như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, tài chính, thực phẩm - những lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong thị trường, gần đây đã phục hồi khá tốt và có dấu hiệu dẫn dắt trở lại, càng giúp thị trường thể hiện tích cực về mặt điểm số. Đây cũng là những ngành dự báo kết quả kinh doanh sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là ngành bất động sản có chu kỳ lợi nhuận cao vào cuối năm.