Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán
Chia sẻ một số "lớp" tài sản có nhiều tiềm năng trong bối cảnh Fed nâng lãi suất, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA tại Việt Nam, cho rằng kênh đầu tư vào chứng khoán vẫn là lựa chọn hiệu quả trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ bước vào thời kỳ phân hóa sâu sắc, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược rõ ràng. Tùy thuộc vào "khẩu vị" rủi ro của mỗi nhà đầu tư mà có sự lựa chọn cổ phiếu cho riêng mình.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, có tới hơn một nửa lượng cổ phiếu đang lưu hành giao dịch dưới giá trị sổ sách, trong đó không hiếm doanh nghiệp sở hữu khối tài sản chất lượng, nhiều tiềm năng tạo ra lợi nhuận.
Cổ phiếu giá "bèo"
Trong số những cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách này, lượng cổ phiếu giao dịch tại mức dưới 10.000 đồng/cp, thậm chí có cổ phiếu giá rất rẻ được gọi là cổ phiếu "mớ rau, trà đá" chiếm tới hơn 50%.
Tuy nhiên, không phải mọi cổ phiếu nhỏ đều tệ, các nhà đầu tư lướt sóng hoàn toàn có thể tìm cơ hội tại nhóm cổ phiếu này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao dịch tại vùng giá "bèo", ngoài các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, vi phạm công bố thông tin thì hầu hết là do cơ cấu cổ đông cô đặc và nắm giữ dài hạn.
Thanh khoản thấp khiến thị giá không phản ánh được giá trị thực, hoặc trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, dẫn đến các tài sản chất lượng nhưng không thể khai thác hiệu quả.
Là một cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng SHB vẫn đang giao dịch "lẹt đẹt" tại vùng giá 7.700 đồng/cp, trong khi giá trị sổ sách đang ghi nhận 13.340 đồng/cp, cao hơn 73% giá thị trường.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn, tình hình nợ xấu có khả quan nhưng vấn đề khiến nhà đầu tư e ngại về SHB chính là các khoản tài sản có vấn đề khác không được phân loại trong danh mục cho vay khách hàng vẫn còn rất lớn.
Hay như trường hợp của cổ phiếu PVD của CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí hiện đang giao dịch chỉ bằng 50% giá trị sổ sách do giá dầu giảm, khiến doanh nghiệp làm ăn không mấy khả quan.
Tuy nhiên, trong một bộ phận các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư giá trị, nhóm cổ phiếu giá trị giao dịch thấp hơn sổ sách lại trở nên khá hấp dẫn dù cuộc săn lùng những cổ phiếu tiềm năng có thể ví như "đãi cát tìm vàng".
Hiện, có một vài cổ phiếu đang thu hút được sự chú ý của bộ phận các nhà đầu tư lớn như cổ phiếu TDC (CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương), IJC (Becamex IJC), KBC (Đô thị Kinh Bắc)... của nhóm bất động sản do sở hữu quỹ đất lớn nhưng chưa triển khai được dự án, khiến chỉ tiêu lợi nhuận chưa phản ánh hết giá trị của tài sản.
Hơn nữa, kỳ vọng còn đến từ cuộc chiến tranh thương mại khi các tập đoàn lớn có xu hướng di rời nhà máy từ Trung Quốc tới các khu công nghiệp của Việt Nam. Có thể kể đến như Tập đoàn Foxconn đang có ý tưởng mở một nhà máy sản xuất Iphone ngay tại Việt Nam.
Trong đó, các khu công nghiệp thuộc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc được tập đoàn này nhắm tới, từ đó cổ phiếu KBC có thể được hưởng lợi nếu kế hoạch này được thực hiện.
Cổ phiếu có cổ tức cao
Ngoài những cổ phiếu có giá "bèo" giới đầu tư cũng có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang cổ phiếu của những doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ vượt trội sau một năm kinh doanh thành công.
Ngày 28/12 tới đây, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã: VNM) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2018 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Thời gian thanh toán 28/2/2019.
Như vậy Vinamilk sẽ chi trên 1.740 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông. Trước đó, Vinamilk đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 cũng bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Tính cả đợt này, cổ đông Vinamilk nhận 30% cổ tức bằng tiền cho năm 2018.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM sau khi giảm sâu về mức giá 115.000 đồng/cp đã bật tăng mạnh mẽ trở lại và giao dịch quanh mức 134.800 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn giảm đến 21% so với thời điểm đầu năm 2018.
VNM là một trong những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay và nhận được sự quan tâm rất lớn từ khối ngoại.
CTCP Mía đường Sơn La (mã: SLS) cũng vừa thống nhất thực hiện chi trả cổ tức niên độ 2017 – 2018 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt. Khoản cổ tức này sẽ được trả cho cổ đông SLS trong tháng 12 này.
Với kết quả kinh doanh tích cực, CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD) cho biết, trong tháng 12/2018, công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 45%. CTCP Thủy điện Gia Lai (GHC) và CTCP Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) cũng vừa chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%.
Bên cạnh những doanh nghiệp có truyền thống trả cổ phiếu cao như VMC, TV2, VCS, SVI… (dao động từ 60% đến 100% cả tiền mặt và cổ phiếu).
Ngày 3/1/2019, CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN) cũng sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1/2018 với tỷ lệ 36% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu DSN sẽ được nhận 3.600 đồng cổ tức. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 18/1/2019.
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu DSN cũng đang có xu hướng tăng nhẹ, chốt phiên giao dịch ngày 12/12 cổ phiếu này có giá là 63.000 đồng/cp, tăng 4,3% so với nửa tháng trước đó.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào chi trả cổ tức cao, hay có mức định giá thấp đều là một khoản đầu tư tốt. Việc sàng lọc, tìm kiếm các cổ phiếu tốt là không dễ dàng. Bài học của Vinacafe Biên Hòa là một ví dụ điển hình.
Theo quan điểm của một nhà quản lý quỹ đầu tư, yếu tố may mắn trong kinh doanh và đầu tư tài chính chiếm tới 30%, nhưng việc áp dụng các chiến lược đầu tư rõ ràng sẽ giúp giảm bớt độ rủi ro trong đầu tư.
Khi sử dụng phương pháp này, nhà đầu tư dù có quan điểm vĩ mô tốt nhưng khi "xuống tiền" thì yếu tố tâm lý sẽ tác động rất nhiều và có thể đưa ra hành động ngược lại.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc dịch vụ môi giới VNDirect, khi mua cổ phiếu nhà đầu tư cần phải có chiến lược "gom" hàng, xác định rõ vùng giá muốn mua.