Quản trị công ty: Yếu mọi mặt so với khu vực
Báo cáo quản trị công ty (QTCT) vừa được công bố cho thấy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có những nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao khả năng quản trị, hoàn thiện mô hình kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Tuy nhiên, QTCT của các DN vẫn còn khoảng cách so với các nước trong khu vực.
Từng bước cải thiện
Theo kết quả đánh giá QTCT khu vực ASEAN năm 2017-2018, điểm QTCT trung bình ở Việt Nam đạt 41,3 điểm so với điểm trung bình trong toàn khu vực ASEAN là 71,01 điểm (thang điểm tối đa 130 điểm). Tuy nhiên, qua 5 lần đánh giá từ 2012, điểm trung bình của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ xuất phát điểm 28,42 năm 2012, tương đương mức tăng trưởng hàng năm khoảng 9%.
Điều này cho thấy sự cải thiện về QTCT ở Việt Nam qua các năm trong bối cảnh sôi động của thị trường vốn, với sự tham gia của các NĐTNN với quy mô và tính chuyên nghiệp ngày càng tăng là điều đáng ghi nhận. Đặc biệt là nỗ lực của các DN trong việc gia tăng công bố các tài liệu cổ đông bằng tiếng Anh tăng 27% so với năm đánh giá trước.
Với mục tiêu thu hút vốn cũng như nguồn lực trong và ngoài nước, các công ty niêm yết và đại chúng, đặc biệt là các DN có xuất phát điểm là DN tư nhân và DN có vốn nhà nước sau cổ phần hóa, đã có sự cải thiện đáng kể về thực hành QTCT để tiệm cận thông lệ quốc tế. Bên cạnh áp lực từ các NĐT tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước cũng liên tục đưa ra những hướng dẫn, quy định và các sáng kiến thúc đẩy hoàn thiện QTCT nhằm bảo vệ lợi ích của các NĐT, và đảm bảo tính minh bạch của thị trường.
Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các hiệp hội ngành nghề cũng như các công ty tư vấn chuyên nghiệp, đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phát triển QTCT ở Việt Nam. Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa DNNN trong những năm gần đây cũng tạo ra cơ hội để các DN đổi mới, hoàn thiện mô hình kinh doanh, cấu trúc sở hữu cùng với các quy chế và quy trình QTCT.
Nhiều vấn đề cần khắc phục
Tuy vậy, khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, điểm trung bình của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương một nửa điểm số của Thái Lan là nước đang dẫn đầu về điểm QTCT trong các nước ASEAN. Có thể lấy dẫn chứng từ các ngân hàng (NH) đang niêm yết với điểm số trung bình đạt cao nhất.
Theo chuẩn mực QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các NH niêm yết mới đáp ứng được ở mức độ trung bình (đáp ứng 46% tiêu chí). Kết quả này khá thấp so với các NH trong khu vực.
Theo đó, phần có điểm số cao nhất là Quyền của cổ đông (chủ đề A) và phần có điểm số thấp nhất là Vai trò của các bên liên quan (chủ đề C). Kết quả khảo sát cho thấy, có chỉ có 6/21 tiêu chí về chủ đề A được thực hiện, cho thấy các NH còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện thực tế Quyền của cổ đông trong các năm tới. Đối với chủ đề B là Công bằng với các cổ đông, các NH niêm yết đã đáp ứng tương đối tốt các câu hỏi đánh giá.
Đáng tiếc là kết quả chấm điểm cho thấy chỉ gần 7% các NH niêm yết thực hiện tốt chính sách giải quyết xung đột lợi ích đối với các thành viên HĐQT. Một điểm đáng thất vọng nữa là mức đáp ứng về yêu cầu Minh bạch công bố thông tin (chủ đề D) của các NH ở mức thấp, và số lượng chỉ tiêu đáp ứng không nhiều và không đồng đều.
Trong đó, điểm tốt tập trung vào nhóm NH có quy mô lớn và tỷ lệ vốn NĐTNN cao. Đáng chú ý, các NH làm tốt các yêu cầu công bố thông tin về giao dịch các bên có liên quan nhưng lại hạn chế những thông tin liên quan đến thù lao của các thành viên HĐQT.
Đối với nhóm có điểm số thấp nhất là DN tư nhân, khảo sát cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các DN. Cụ thể, có DN đạt 60/130 điểm, nhưng có DN chỉ đạt 20/130 điểm. Điều này cho thấy mức độ và trình độ không đồng đều trong việc áp dụng QTCT. Với nhóm DNNN, do đặc thù vừa đảm bảo chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý vốn nhà nước, nên các DN này vẫn trong quá trình hoàn thiện để xử lý các xung đột của các bên có lợi ích liên quan. Đặc biệt, các câu hỏi trực tiếp liên quan đến các công bố chính sách và thực hành liên quan đến phòng chống tham nhũng có điểm số thấp, cho thấy các DN vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề nhạy cảm này.
Vai trò HĐQT rất lớn
Tại Diễn đàn thường niên về QTCT 2018, với chủ đề “Quản trị hướng tới phát triển bền vững”, được tổ chức vào cuối tuần vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng những công ty cam kết tuân thủ các thông lệ tốt về phát triển bền vững, sẽ có ưu thế trong việc thu hút vốn và sự quan tâm của NĐT. Theo các chuyên gia kinh tế tham gia diễn đàn, phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao đang trở thành khát vọng của Việt Nam.
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC (phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào), các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị đã trở thành một yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định đầu tư. Trong đó, mối liên hệ rõ ràng giữa việc quản lý tốt các tác động môi trường và xã hội với hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, những công ty cam kết tuân thủ các thông lệ tốt về phát triển bền vững sẽ có ưu thế trong việc thu hút vốn và sự quan tâm của NĐT.
Bên cạnh việc thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội, vai trò của HĐQT đối với chiến lược phát triển bền vững của DN là yếu tố quyết định then chốt. Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, vai trò của HĐQT là dẫn dắt DN phát triển. Các vấn đề đáng lưu tâm của HĐQT không phải là vấn đề trong quá khứ, mà nên là vấn đề của tương lai và làm sao tạo dựng được chiến lược phát triển DN một cách bền vững.
TS. Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng tính đa dạng của các thành viên HĐQT cho phép HĐQT đánh giá các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau trước khi ra quyết định. Tính đa dạng cho phép các thành viên HĐQT bổ trợ lẫn nhau và làm gia tăng tính hiệu quả của HĐQT.
Điểm số trung bình của các nhóm đối tượng DN có nguồn gốc tư nhân đạt 39,52 điểm, nhóm DN có sở hữu nhà nước đạt 42,87 điểm, và nhóm NH đạt cao nhất với 47,61 điểm so với mức điểm trung bình là 41,3%.