Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vững vàng trong bão dịch Covid-19

PV.

Vượt qua những thách thức, khó khăn đại dịch gây ra đối với nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn vững vàng vươn lên, thiết lập những đỉnh mới, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giữa mùa đại dịch. Những kết quả này cũng tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng vững chắc của thị trường trong những tháng cuối năm và giai đoạn tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thêm những kỷ lục mới

Trong nửa đầu năm 2021, hầu hết các TTCK lớn trên thế giới đều có sự tăng trưởng ngoạn mục. Tính đến ngày 15/6, TTCK Mỹ tăng khoảng 12,4%, Anh 10%, Pháp 19%, các TTCK tại châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng trên 12% so với đầu năm 2021...

Nằm trong xu thế đó, TTCK Việt Nam cũng có những sự tăng trưởng ấn tượng, khi trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư với những diễn biến phức tạp. Những kỷ lục mới không ngừng xuất hiện trên thị trường.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường.

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.865 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với năm trước. Thị trường trái phiếu duy trì định với thanh khoản đạt 11.765 tỷ đồng/phiên, tăng 13,2%. Tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối đạt 1.580 nghìn tỷ đồng, tăng 4% với cuối năm 2020 với 753 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 907 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK trong nửa đầu năm ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Việt Nam, tháng 6/2021 chứng kiến ngưỡng cao kỷ lục lịch sử mới khi số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020 – năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.

Kỳ vọng tăng trưởng

Bất chấp dịch bệnh đang có những tác động đến kinh tế, song hiện nay vẫn có nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng của thị TTCK Việt Nam những tháng cuối năm.

Theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nếu làn sóng Covid thứ 4 được đẩy lùi, VN-Index có thể duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Ở kịch bản thứ hai, BSC dự báo VN-Index có thể dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán SSI dự báo VN-Index vượt 1.400 điểm trong năm 2021, vào dao động quanh ngưỡng này trong năm 2022. Ở một góc nhìn lạc quan hơn,  Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm của Công ty chứng khoán VNDIRECT còn cho rằng chỉ số VN-INDEX sẽ có thời điểm chạm mốc 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021.

Theo bà Phùng Thị Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), trên phương diện vĩ mô, hiện nay nền kinh tế đang hồi phục và triển vọng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 sẽ giúp TTCK tiếp tục tăng trưởng khi dòng vốn nhàn rỗi chưa tìm được hướng đi nào khác, khi lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp. Chính vì vậy, đây cũng là một cơ hội để thị trường tăng trưởng về quy mô nhà đầu tư, thanh khoản bước vào giai đoạn mới là tiền đề để phát triển thị trường vốn cho chu kỳ 5 năm đến 10 năm tới.

"Việc Chính phủ ban hành một loạt quy định mới có hiệu lực từ năm 2021 giải quyết vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư đối tác công tư… Đặc biệt, thời gian tới cũng được coi là giai đoạn “nước rút” của những DNNN còn lại tiếp tục được cổ phần hóa sẽ góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh và bền vững hơn", bà Phùng Thị Thanh Hà chia sẻ.

Trong khi đó, ông Kang Moon Kyung - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tới đây, các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, fintech, công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh mẽ để phù hợp với điều kiện xã hội mới. Các doanh nghiệp này sẽ niêm yết trên TTCK trong thời gian tới, tạo nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội lớn để phát triển cả thị trường vốn và thị trường nợ. Khi đó, TTCK sẽ thực sự là kênh huy động vốn chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.