Thị trường địa ốc sẽ thế nào khi dự báo lạm phát năm 2023 tăng?


Năm 2022 khép lại với nhiều với sự trầm lắng cho ngành Bất động sản. Tuy nhiên, chuyên gia chia sẻ đây chính là cơ hội để “thanh lọc” thị trường, doanh nghiệp nào thích ứng nhanh sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Áp lực tài chính trong điều kiện nguồn cung hạn chế khiến thị trường bất động sản nhà ở điều chỉnh giảm dần. (Ảnh minh họa)
Áp lực tài chính trong điều kiện nguồn cung hạn chế khiến thị trường bất động sản nhà ở điều chỉnh giảm dần. (Ảnh minh họa)

Kỳ vọng gì ở bất động sản năm 2023?

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào “chùn chân” và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết.

Theo ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích chung về bức tranh kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 chủ yếu do yếu tố kỹ thuật vì năm 2021 tăng trưởng thấp, nhất là quý III tăng trưởng âm.

Trong năm 2023, các cấu thành tổng cầu dự đoán vẫn góp phần tăng trưởng GDP tương đối cao, cụ thể là tiêu dùng tư nhân, đầu tư toàn xã hội và thặng dư thương mại.

Các yếu tố khó khăn hơn là áp lực phải tiếp tục tăng lãi suất trong năm từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiên định tăng tiếp lãi suất lên mức cực đại năm 2023 để chống lạm phát ở Mỹ. Kết quả tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát của Việt Nam tùy thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước định mức lãi suất điều hành kịp thời, ở mức phù hợp và chính sách tỷ giá hữu hiệu; đồng thời, còn phụ thuộc vào kết quả giải ngân đầu tư công, chính sách tài khóa, ông Sang đánh giá.

Không loại trừ khả năng chiến sự Nga - Ucraina căng thẳng đến mức không kiểm soát, khiến mức giá tăng trở lại và gây đứt gãy chuỗi cung ứng và logistics, ông Sang cho hay.

Ông Sang chia sẻ: “Chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất và tỷ giá của NHNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của chính sách và tình hình kinh tế của các nước đối tác, nhất là Mỹ. Năm 2023, Mỹ sẽ tăng lên mức lãi suất kỷ lục từ 2008 đến nay và sự suy giảm/suy thoái kinh tế của nước này và các nước phát triển sẽ có tác động lên chính sách tiền tệ và nền kinh tế của Việt Nam, vừa tạo áp lực tăng lãi suất, vừa giảm lạm phát và ngược lại”.

Ông Sang dự đoán: “Khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất là cao hơn, với mức tăng nhỏ hơn đợt 1 của năm 2022, vừa giúp giảm tác động lên tỷ giá và chiều hướng luồng vốn đầu tư, đồng thời giúp kiềm chế lạm phát từ tăng giá nguyên vật liệu, nhất là nguyên vật liệu xây dựng do Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cũng như tác động từ giải ngân gói đầu tư công lớn kỷ lục trong năm 2023”.

Dự báo năm 2023, lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng

Trong thời gian tới, nhất là năm 2023, lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng, với áp lực các nhân tố bên ngoài tăng, lạm phát trong nước thấp hơn năm trước (ngoại trừ nếu chiến sự Nga - Ucraina leo thang sâu, rộng hơn).

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ và Việt Nam quyết tâm giải ngân hữu hiệu đầu tư công (700 nghìn tỷ đồng) có tác động lớn hơn lên mức lạm phát, dự báo đưa mức lạm phát CPI lên khoảng 4,5-4,7%. vị chuyên gia này dự báo.

Phân tích về bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam, ông Sang nhận định, phân khúc nhà ở đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn hơn nửa cuối năm 2022 chủ yếu do các nguồn vốn tín dụng, vay nợ trái phiếu bất động sản bị hạn chế hơn.

Hành vi đầu cơ chờ giá lên, nhìn chung đã ngưng lại, thay vào đó là tâm lý nghe ngóng.

Tín hiệu tích cực đó là mức cầu và cung bất động sản cũng sẽ được hỗ trợ, nâng cao nhờ quyết tâm giải ngân các dự án đầu tư công khắp cả nước cùng việc sửa đổi pháp lý bất động sản và các lĩnh vực liên quan.

Áp lực tài chính trong điều kiện nguồn cung hạn chế khiến thị trường bất động sản nhà ở điều chỉnh giảm dần, nhất là các dự án ở nông thôn, song không sụp đổ.

Trong khi đó phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê nhà và xu hướng các luồng vốn FDI vào bất động sản dự báo tiếp tục tăng. Nhân tố lạm phát rất cao ở Mỹ và EU vốn là nguyên nhân khiến Fed tăng lãi suất song mức lo ngại đang giảm dần.

Việc Mỹ dự kiến tăng lãi suất lên cao kỷ lục (trên 5%) có khả năng diễn ra sớm nhất trong 3 quý đầu của năm 2023 buộc Ngân hàng Nhà nước phải có phản ứng thích hợp để không tăng lãi suất điều hành quá mức làm bóp nghẹt nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Lạm phát cao là nhân tố gây bất ổn cho thế giới năm 2022. Tại Việt Nam, mức lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn trong năm 2023, nhất là những tháng cuối năm, ông Sang chia sẻ

Vị chuyên gia này cho rằng, với mức cung bất động sản hạn chế, mức cầu thực tương đối cao và cung - cầu này sẽ được hỗ trợ trong năm 2023 thì lạm phát cao hơn rất khó gây ra sự đổ vỡ của ngành bất động sản mà thị trường sẽ điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn.

Sự thực thi và phản ứng chính sách hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải có ý nghĩa quan trọng giúp ngành Bất động sản “hạ cánh mềm” một cách an toàn, ông Sang chia sẻ.

Theo Huyền Diệu/kinhtemoitruong.vn